Sau thời gian dài bền bỉ hoạt động công tác xã hội, những năm 60 của thế kỷ XX, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Thành Công. Bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó với quê hương, đồng chí trực tiếp quán triệt tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng hợp tác xã nông nghiệp gắn với công tác định canh định cư, ổn định sản xuất và đời sống.
Thành Công có địa hình đồi núi, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất lâm nghiệp và núi đá có độ dốc cao, khó khăn cho sản xuất, canh tác. Nhận thức của bà con các dân tộc còn nhiều hạn chế, lạc hậu, đời sống khó khăn, thiếu thốn; tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy khá phổ biến. Thương cho đồng bào quê mình, đồng chí báo cáo tình hình với Huyện ủy, xin ý kiến và thể hiện quyết tâm xây dựng hợp tác xã theo đúng chủ trương của Đảng bộ. Đồng chí kiên trì giáo dục nhân dân, giải quyết hiệu quả những tư tưởng, hành vi tiêu cực, mê tín, dị đoan trong đồng bào gây cản trở con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; ra sức vận động nhân dân tập trung thực hiện phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tổ chức định canh, định cư với tinh thần “an cư mới lạc nghiệp”, xây dựng nông thôn mới.
Với uy tín của đồng chí, bà con các dân tộc nghe và làm theo, góp phần nâng tổng số hợp tác xã toàn huyện từ 47,6% năm 1965 lên 72,94% năm 1970; trong 5 hợp tác xã điển hình hợp nhất thành quy mô lớn có Hợp tác xã Bản Chang, xã Thành Công. Mới đầu, Hợp tác xã Bản Chang có 322 hộ với 205 nhân khẩu, đến năm 1968 có 73 hộ với 448 nhân khẩu. Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và sự chỉ đạo sát sao của đồng chí, Hợp tác xã sản xuất ổn định, thu nhập của người dân tăng lên theo từng năm. Năm 1968, bình quân thu nhập đầu người 25,5 kg lương thực/tháng; năm 1972 là 34 kg/người/tháng, thu hút 100% nông dân tham gia hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Năm 1968, Hợp tác xã Bản Chang vinh dự được Chính phủ công nhận là Hợp tác xã tiên tiến toàn miền Bắc.
Trong điều kiện khó khăn, thiếu đất canh tác, đồng chí cùng tập thể Đảng ủy xã vận động nhân dân tích cực khai hoang, phục hóa, tập trung kiến tạo ruộng bậc thang và đắp mương phai đưa nước phục vụ tưới tiêu cho 126 ha ruộng bậc thang. Năng suất cây trồng, nhất là lúa tăng từ 15,5 tạ/ha lên 25,5 tạ/ha. Đồng chí quan tâm xây dựng hạ tầng cơ sở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể xã Thành Công vận động bà con mở đường từ Quốc lộ 3 đến trung tâm xã dài 25 km.
Có đường ô tô đến xã, đồng chí thực hiện quy hoạch làng, bản, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mỗi hộ làm nhà ba gian, mua sắm đầy đủ tiện nghi và các phương tiện, công cụ lao động sản xuất hợp tác xã, ăn ở hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nên bộ mặt nông thôn miền núi “thay da, đổi thịt”. Đồng thời, tái thiết lại trụ sở UBND xã và các trường học; xây dựng trạm thủy điện thắp sáng và phục vụ sản xuất, xây dựng trạm truyền thanh thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Con em các dân tộc được đến trường học tập, số người có trình độ văn hóa THCS, THPT không ngừng tăng lên. Từ chỗ du canh, du cư, thiếu ăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cuộc sống bà con các dân tộc ổn định và phát triển sản xuất, có lương thực dự trữ, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ xã Thành Công, trực tiếp là đồng chí Bàn Thượng Đức, người con của dân tộc Dao, người đảng viên tận tụy, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công năng động, sáng tạo, có công lớn trong xây dựng và phát triển quê hương, được nhân dân trân trọng, quý mến. Xã Thành Công vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa.
Tháng 11/1982, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X (1980 - 1983), Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình. Trưởng thành từ thực tế, cơ sở, đồng chí cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo nhân dân các dân tộc Nguyên Bình phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Trong suốt quá trình công tác, đồng chí được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, là Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966, được tặng Huy hiệu Bác Hồ. Ngày 2/10/1985, đồng chí vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa.
Tác giả: Lê Chí Thanh
Nguồn tin: baocaobang.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn