Di tích Đền thờ Đại tướng quân Trần Duy Trân

Thứ hai - 18/03/2024 05:06
Đền thờ Trần Duy Trân hay còn gọi là miếu Quan Chẻng (miếu thờ vị quan lớn) tại xã Cách Linh (Phục Hòa) là di tích lịch sử cấp tỉnh được xếp hạng năm 2011. Đền thờ Đại tướng quân Trần Duy Trân - người có công lớn trong việc dẹp loạn phỉ nước Thanh vào năm 1862, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân vùng biên giới Cao Bằng.
Đền thờ Trần Duy Trân dưới chân núi Ngườm Pục, xã Cách Linh (Phục Hòa).
Đền thờ Trần Duy Trân dưới chân núi Ngườm Pục, xã Cách Linh (Phục Hòa).
Mảnh đất Cao Bằng - miền biên viễn xa xôi nằm kề sát nước Thanh vào giai đoạn 1858 - 1862, tại một số châu, như: Quảng Uyên, Thạch Lâm (huyện Phục Hòa và Hòa An thời kỳ này đều thuộc châu Thạch Lâm), Thạch An... thường xuyên bị bọn phỉ nước Thanh (còn lại là quân “Thái Bình Thiên Quốc”) do Chu Chí Văn cầm đầu tràn sang cướp bóc, vơ vét của cải, đốt phá làng bản, chém giết dân lành... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội cộng đồng dân cư Cao Bằng. 

Đứng trước tình hình rối ren, ngày đêm bị bọn phỉ quấy nhiễu, vua Tự Đức (hoàng tử thứ 2 của Vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên ngôi vào tháng 10 năm Đinh Mùi 1847) đã cử Trần Duy Trân lúc đó đang giữ chức Quản cơ trong triều cùng suất đội Hoàng Hiền Lộc đem quân và voi chiến lên Cao Bằng để dẹp loạn phỉ nước Thanh. Rất nhiều trận đánh giữa quân Trần Duy Trân và bọn phỉ diễn ra quyết liệt.

 

Địa điểm Ngườm Pục (Pò Đồn), xã Cách Linh lúc đó được coi như một vị trí hết sức lợi hại. Đây là điểm án ngữ con đường từ Tà Lùng lên Quảng Uyên, đồng thời chỉ cách nước Thanh khoảng 6 km. Nếu quân phỉ kéo từ hướng Tà Lùng lên hoặc đi từ hướng Quảng Uyên xuống đến đây đều sẽ gặp bất lợi. Do đó, Quản cơ Trần Duy Trân đã cho quân ta lập trận địa mai phục, tập trung lực lượng để tiêu diệt bọn phỉ. Nhiều trận giao tranh giằng co giữa 2 bên diễn ra tại Ngườm Pục. Dưới sự chỉ huy tài tình, khéo léo của tướng Trần Duy Trân bằng cách đánh phục kích, bí mật, bất ngờ dồn chúng vào vòng vây  sau đó thắt chặt, tấn công đã khiến bọn phỉ không kịp trở tay, tổn thất nặng nề buộc phải rút về cố thủ. 

Sau khi củng cố lại quân, trang bị thêm vũ khí, vào tháng 4 năm Nhâm Tuất (1862), quân phỉ lại tràn sang đánh chiếm, quấy nhiễu Cao Bằng. Do lực lượng được củng cố mạnh hơn, đông hơn nên bọn thổ phỉ đã áp sát quân triều đình để tấn công. Cũng trong trận này, khi Quản cơ Trần Duy Trân đang chỉ huy một đội quân triều đình từ hướng Quảng Uyên để áp sát bao vây bọn phỉ bất ngờ bị chúng mai phục và bắn chết tại mỏm núi Thum Khẻ (cách Ngườm Pục chừng 50 m), xã Cách Linh (Phục Hòa nay). Đến tháng 8/1862, quân phỉ tiếp tục vây đánh thành Cao Bằng. Tỉnh thần Lê Văn Phổ, Nguyễn Huy, Phó Lãnh binh Nguyễn Vịnh phải gửi công văn đến Lạng - Bình xin quân chi viện. Phủ thần Lạng - Bình là Phạm Chi Hương đã đem hơn 2.000 quân tới chi viện, tấn công, bao vây bọn phỉ và lấy lại được thành Cao Bằng. Sự hoành hành của bọn phỉ nước Thanh trên đất Cao Bằng tan rã, cuộc sống người dân trở lại ổn định.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Quản cơ Trần Duy Trân trong việc dẹp loạn phỉ nước Thanh, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân vùng biên giới Cao Bằng, Triều đình nhà Nguyễn sắc phong Đại tướng quân cho Quản cơ Trần Duy Trân. Nhân dân huyện Phục Hòa lập đền thờ tại chính nơi ông tử trận dưới chân núi Ngườm Pục. Đến đời vua Duy Tân năm thứ 9 (1915) đã cho tu sửa lại đền và khắc bia ghi công.

Theo các cụ truyền lại, Đền thờ Trần Duy Trân ban đầu được lợp bằng gianh nên vào một đêm mưa to, gió lớn đã cuốn gắp gianh bay đi, sau đó rơi xuống một khoảng đất bằng phẳng. Dân trong vùng coi đó là điềm lành nên đã xây cất ngôi đền tại nơi gắp gianh rơi xuống (vị trí ngôi đền hiện nay), nằm sát con đường xã Cách Linh (Phục Hòa). Đền quay mặt về hướng Đông với kiến trúc hình chữ nhất (-) bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù chiếm Cao Bằng, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Đền thờ Trần Duy Trân được dời vào chân núi Ngườm Pục. Nhưng trải qua một thời gian dài do chiến tranh, sự hủy hoại của thời tiết và nhiều lý do khác, đền bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2005, UBND xã Cách Linh cùng nhân dân địa phương đóng góp của cải, công sức xây dựng lại Đền thờ Trần Duy Trân trên nền ngôi đền cũ tại nơi gắp gianh rơi xuống với diện tích khoảng 17 m2, chiều rộng 3,8 m, chiều dài 4,5 m. Đền xây cấp bốn, ba bức tường được xây bằng gạch xi măng. Trước đền là khoảng đất rộng bằng phẳng, thoáng đãng dùng làm nơi tổ chức lễ hội truyền thống hằng năm vào ngày 19/3 (âm lịch). Trước đền còn có một cây đa cổ thụ tỏa bóng xum xuê khiến cho ngôi đền càng trở nên thâm nghiêm và tĩnh mịch. Từ đó đến nay, đền vẫn giữ nguyên trạng như khi xây dựng năm 2005. 

Đền thờ Trần Duy Trân là di tích lịch sử có giá trị và ý nghĩa giáo dục truyền thống rất lớn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, qua nhiều thế hệ, tấm gương hy sinh vì dân, vì nước của Đại tướng quân Trần Duy Trân vẫn còn sáng mãi để con cháu noi theo. Đặc biệt, lễ hội truyền thống của di tích được tổ chức hằng năm thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để người dân địa phương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạ ơn, tri ân người có công với dân, với nước. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

Tác giả: Phúc Khang

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay5,601
  • Tháng hiện tại149,805
  • Tổng lượt truy cập551,350



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây