Di tích lịch sử đồn Đồng Mu

Thứ tư - 13/03/2024 22:08
Đồn Đồng Mu, thuộc xã Đồng Mu, nay là xã Xuân Trường (Bảo Lạc), do thực dân Pháp xây dựng kiên cố từ trước năm 1945. Tại đây diễn ra trận đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đêm 4/2, rạng sáng 5/2/1945.
Di tích đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc).
Di tích đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc).

Sau hai trận đánh thắng lợi giòn giã Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã hành quân về Lũng Dẻ (Nguyên Bình) tổ chức luyện tập, bổ sung quân số. Đầu năm 1945, Đội đã phát triển thành một đại đội, nhiệm vụ lúc này là tiếp tục vũ trang tuyên truyền gây cơ sở, tổ chức lực lượng xây dựng căn cứ cách mạng. Đội chia làm hai bộ phận: đại bộ phận theo đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Sâm tiến về châu Bảo Lạc (Cao Bằng) chuẩn bị đánh đồn Đồng Mu; một bộ phận nhỏ do đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách đi về phía Nậm Ty hoạt động tuyên truyền, mở rộng cơ sở. Đại đội xuất quân đúng vào những ngày giáp Tết Ất Dậu. 

So với Phai Khắt và Nà Ngần, đồn Đồng Mu kiên cố hơn nhiều về công sự và hỏa lực, vì địch phải thường xuyên đối phó với thổ phỉ vùng biên giới, đồn Đồng Mu lại là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, nằm gần biên giới Việt - Trung. Tại đây có thể kiểm soát con đường từ Đồng Mu sang Sóc Hà (Hà Quảng) và đường từ Đồng Mu xuống Pác Lung, đi sang Ba Bể, xuống Bắc Kạn. Địch xây dựng công sự rất kiên cố, Đồn có nhiều lô cốt, tường dày, có lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bao bọc xung quanh. Trong Đồn có khoảng 40 lính khố đỏ, do tên sỹ quan Pháp chỉ huy, ngoài ra còn có một số lính dõng ở trong bản do một tên Tổng đoàn chỉ huy.

Sau khi trinh sát nắm bắt tình hình, mọi người bàn bạc và xin ý kiến đồng chí Võ Nguyên Giáp. Phương châm để hạ đồn Đồng Mu không thể thực hiện cách đánh như Phai Khắt, Nà Ngần là cải trang và đột nhập mà phải đợi trời tối, lợi dụng sơ hở của địch là tấn công ngay. Được đồng chí Võ Nguyên Giáp đồng ý, đêm 4/2/1945, bộ đội xuất kích, thực hiện kế hoạch kết hợp với binh sỹ nội ứng, một bộ phận nhỏ lợi dụng đêm tối bí mật đột nhập Đồn, bất ngờ đánh chiếm nhà chỉ huy, tạo điều kiện cho các hướng cùng xông vào tiến công tiêu diệt địch. Hai tổ xung phong vượt hàng rào dây thép gai đầu tiên. Tổ của các đồng chí: Nam Long, Quang Trung, Xuân Trường đang đột nhập thì bị phát hiện, địch lập tức ném lựu đạn và bắn ra tới tấp. Đồng chí Đàm Quang Trung dẫn một tổ xông vào trong Đồn. Đồng chí Đàm Quang Trung một mình với khẩu súng và con dao trên tay đã tiêu diệt được 5 tên địch. Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập vào đồn, trong lúc chiến đấu bị một viên đạn xuyên qua ngực và hy sinh giữa lúc tiếng súng còn vang dội. Cuộc chiến đấu diễn ra từ trước nửa đêm đến khoảng 3 giờ ngày 5/2. Nhận thấy tình thế có thể bất lợi nếu kéo dài trận đánh, Ban Chỉ huy hạ lệnh rút trước khi trời sáng. Trước khi rút, ta tiêu diệt 20 tên địch, thu 5 khẩu súng và đạn dược, bắt sống 3 tù binh. 

Đồng chí Xuân Trường anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, được công nhận là liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dân xã Đồng Mu đã đổi tên xã Đồng Mu thành xã Xuân Trường. Tại thành phố Cao Bằng cũng có một con đường mang tên Xuân Trường. Năm 1995, đồn Đồng Mu được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. 
 

Tác giả: Hoàng Lệ

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay8,484
  • Tháng hiện tại139,530
  • Tổng lượt truy cập541,075



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây