Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo

Thứ sáu - 12/12/2014 04:10
Từ khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với dân tộc đã làm nên những kỳ tích vĩ đại trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Cao Bằng, vùng đất cội nguồn cách mạng có nhiều địa danh lịch sử gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng đó là Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình - nơi khai sinh ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ khu rừng thiêng này, Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với dân tộc đã làm nên những kỳ tích vĩ đại trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014), Khu Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo được đầu tư tôn tạo, sửa chữa một số hạng mục khang trang, sạch đẹp xứng tầm là Di tích đặc biệt của quốc gia - nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ.

 Huyện Nguyên Bình nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố khoảng 50 km. Nguyên Bình có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Tày, Nùng, Mông, Dao, với truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Nguyên Bình từng là 1 trong 3 châu Việt Minh hoàn toàn của tỉnh, là địa bàn đồng chí Võ Nguyễn Giáp người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động gây dựng phong trào cách mạng từ năm 1941 - 1945.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám, là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng lưu trữ những địa danh, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng, có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt là sự kiện chính trị thành lập Đội VNTTGPQ, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay.

Để tiếp tục đưa phong trào đấu tranh cách mạng lên một bước mới, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình), đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ. Đội có 34 chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng. Đội được biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngay sau khi thành lập, Đội tiến hành hai trận đánh vào hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần của địch. Hai trận đánh đầu tiên giành thắng lợi tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào cách mạng trong khu căn cứ, mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồn Phai Khắt - nơi ghi chiến công đầu tiên của Đội VNTTGPQ trong trận ra quân ngày 25/12/1944.

Điểm đầu tiên dừng chân khi đến với quần thể khu di tích là Đồn Phai Khắt nằm trên tỉnh lộ 202, thuộc làng Phai Khắt, xã Tam Kim, nơi ghi chiến công đầu tiên của Đội VNTTGPQ trong trận ra quân ngày 25/12/1944. Đồn là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc được xây dựng từ năm 1940. Từ đây có 3 đường đi các ngả, về phía Nam đi Ngân Sơn (Bắc Kạn), về phía Đông Bắc đi Nà Ngần và một con đường độc đạo ra châu lỵ Nguyên Bình. Năm 1943, thực dân Pháp chiếm nhà của đồng chí Nông Văn Lạc để làm đồn. Trong trận đầu ra quân, Đội VNTTGPQ cùng khoảng 50 du kích đã nhanh chóng đánh chiếm đồn, bắt giữ 17 tên địch, thu giữ nhiều súng và trang bị của chúng. Được trùng tu năm 1994, đồn Phai Khắt vẫn giữ nguyên trạng kiến trúc ban đầu. Trước đây, Đồn là nơi trưng bày lưu giữ những kỷ vật của Đội VNTTGPQ, nay các kỷ vật được chuyển về Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo mới được xây dựng.

Đồn Nà Ngần - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội VNTTGPQ (ngày 26/12/1944).

Từ trung tâm làng Phai Khắt rẽ trái theo đường liên xã Tam Kim - Hoa Thám khoảng 20 km đến Di tích đồn Nà Ngần. Đồn Nà Ngần thuộc xã Cẩm Lý, nay là xã Hoa Thám (Nguyên Bình), là nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội VNTTGPQ (ngày 26/12/1944). Đồn Nà Ngần nằm trên một đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Địch chọn nhà của Phó lý Nông Văn Pảo (lúc đó) làm một đồn lính. Nhà của Phó Lý Pảo là ngôi nhà sàn kiên cố nhất trong bản, có hàng rào kín mấy lớp xung quanh. Hiện nay, ngôi nhà cũ không còn, chỉ còn bãi đất hoang, nhân dân sử dụng trồng hoa màu. Địa điểm đồn Nà Ngần đã dựng Nhà bia ghi dấu chiến công oanh liệt của Đội.

 

Nhà trưng bày Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo.

Qua 2 điểm di tích trên, theo con đường quanh co trải nhựa đến Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo mới được xây dựng và đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014). Nhà trưng bày xây theo kiểu nhà sàn hai tầng, bên trong trưng bày các tư liệu hiện vật theo các chủ đề "Cao Bằng - vùng đất, con người và truyền thống"; "Quá trình hình thành, ra đời và hoạt động của Đội VNTTGPQ"; "Quân đội anh hùng truyền thống vẻ vang" và sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội. Các hiện vật được trưng bày tập trung, chú thích, hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo tính khoa học và giá trị lịch sử chân thực. Đặc biệt, tại Nhà trưng bày còn lưu giữ những khẩu súng kíp, thanh mã tấu và nhiều hiện vật như: Lá cờ đỏ sao vàng được nhân dân xã Tam Kim giương cao trong cuộc mít tinh ở Lũng Chí, Hoa Thám năm 1942; chiếc đèn dầu, chiếc cối xay bằng đá, bộ quần áo bằng vải chàm tự dệt của đồng bào Tam Kim dùng để chở che, đùm bọc Anh Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam và các cán bộ cách mạng. Hình ảnh 34 chiến sỹ Đội VNTTGPQ trong buổi lễ thành lập ngày 22/12/1944, đến sơ đồ tiến công, đồ vật cá nhân, kết quả 2 trận đánh đầu tiên của Đội VNTTGPQ..., khiến chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động và tự hào. Công trình nhằm tôn vinh, tri ân thế hệ đi trước, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích.

 

 Từ Nhà trưng bày theo con đường trải nhựa đưa chúng ta đến trung tâm cửa rừng Trần Hưng Đạo. Khu trung tâm là một khoảng sân rộng. Vị trí trang trọng nhất là Bức phù điêu bằng đá xanh nguyên khối, hoàn thành vào năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam do Quân khu 1 tặng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Bức phù điêu sáng tác dựa theo bức ảnh tư liệu ghi lại thời khắc lịch sử Lễ tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ, 34 chiến sỹ nghiêm trang đứng thành hàng, người chỉ huy tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trước hàng quân với phong thái uy nghi, oai phong. Việc khắc họa tạo nhiều mảng khối khiến người xem liên tưởng đến sự trưởng thành lớn mạnh của một đội quân trùng trùng điệp điệp. Phía trên hàng quân trong bức phù điêu là đồ họa những tán cây rừng biểu trưng cho đại ngàn hùng vỹ đã bảo vệ chở che đội quân cách mạng trong những ngày sơ khai đó. Bên cạnh đó là hình tượng nhân dân các dân tộc, nói lên sự tin tưởng, đoàn kết gắn bó của nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn sẵn sàng giúp đỡ bảo vệ đội quân vũ trang cách mạng.

Cạnh đó là Nhà dâng hương tưởng niệm 34 chiến sỹ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được xây dựng.

Bức phù điêu 34 chiến sỹ Đội VNTTGPQ trong lễ thành lập.

 Từ khu trung tâm theo con đường bê tông nhỏ dẫn đến một khoảng đất bằng - nơi diễn ra Lễ thành lập Đội VNTTGPQ. Năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà bia bề thế được xây dựng để ghi lại dấu tích và thể hiện sự tôn kính và tri ân của nhân dân đối với những chiến sỹ tiên phong của Quân đội nhân dân Vệt Nam anh hùng. Và năm ấy, người chỉ huy lẫm liệt năm xưa - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm lại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, thăm rừng Trần Hưng Đạo, gặp lại đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Nguyên Bình đã hết lòng bảo vệ cán bộ cách mạng trong những năm tháng gian khổ, hiểm nguy.

Bia đá màu nâu sẫm đặt trang trọng ở vị trí trung tâm, khắc toàn văn bản Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ của lãnh tụ Hồ Chí Minh và 10 lời thề danh dự của Đội do Người trực tiếp biên soạn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc trong Lễ tuyên thệ (sau này trở thành Lời thể danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) và danh sách 34 chiến sỹ Đội VNTTGPQ.

Nhà bia Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, Nguyên Bình), nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, 34 chiến sỹ năm xưa nay chỉ còn lại 1 người duy nhất đã bước vào tuổi cửu tuần, đó là ông Tô Văn Cắm, bí danh là Tô Tiến Lực, quê xã Tam Kim (Nguyên Bình), hiện sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng. Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã yên nghỉ vĩnh hằng. Nhưng tên tuổi của họ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử nhân dân các dân tộc Việt Nam, mãi mãi trường tồn cùng non sông, đất nước.

Cách nhà bia khoảng 30 m là dãy lán nghỉ và bếp ăn của Đội VNTTGPQ được xây dựng mô phỏng theo lán trại cũ, nơi sinh hoạt của các chiến sỹ; mỏ nước ăn, hang Thẳm Khẩu - nơi sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm cho cán bộ cách mạng, nơi tập kết của Đội VNTTGPQ chuẩn bị cho trận đánh đồn Phai Khắt, tất cả được tôn tạo, đặt bia ghi dấu di tích và phục vụ khách tham quan.

Tiếp đó là điểm di tích đỉnh Slam Cao - đỉnh núi cao nhất của dãy núi Dền Sinh. Từ Nhà bia trung tâm leo 505 bậc đá mới lên đến đỉnh. Đỉnh núi là một thửa đất bằng phẳng rộng khoảng 500 m2, có Nhà bia ghi dấu sự kiện, nơi đây được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội VNTTGPQ đặt trạm quan sát, đưa ra phương án tác chiến sau khi quan sát mục tiêu để đánh đồn Phai Khắt - trận đánh đầu tiên với chiến thắng của Đội VNTTGPQ vào ngày 25/12/1944. Đỉnh Slam Cao là một khuôn viên dành cho khách du lịch nghỉ ngơi thư giãn sau một hành trình khám phá chinh phục đỉnh cao, tận hưởng không khí mát mẻ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng nguyên sinh...

Với một hệ thống di tích có giá trị đặc biệt, được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo theo một quy hoạch tổng thể, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo trở thành một di tích đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử quân sự cách mạng Việt Nam. Đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, chúng ta không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử của đội quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan di tích lịch sử, thưởng ngoạn thắng cảnh và du lịch sinh thái đầy thú vị, ý nghĩa.

Tác giả: Minh Trang

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,359
  • Tổng lượt truy cập555,904



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây