Di tích cấp quốc gia

Thứ hai - 06/11/2023 03:04
Di tích cấp quốc gia bao gồm 12 di tích
Mục lục

Di tích Đền Vua Lê

Là trung tâm hoạt động kinh tế - văn hoá - quân sự của nhiều triều đại vua quan phong kiến; là nơi hoạt động bí mật của Đảng bộ Cao Bằng nhiều sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đây.

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 1568/QĐ/BT ngày 20/4/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 

Địa điểm


Thuộc xóm Na Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích


Đền Vua Lê dựng trên một gò đất cao phía Bắc thành Na Lữ, gò này gọi là gò Long trong thành có 4 gò đất nổi lên được các triều đại vua phong kiến đặt cho 4 tên: Long, Ly, Quy, Phượng. Theo truyền thuyết và những tư liệu lịch sử  Đền Vua Lê vốn là cung điện trong thành Na Lữ. Thành do Cao Biền nhà Đường xây dựng, sau Nùng Tồn Phúc (cha của Nùng Trí Cao) tiếp tục xây dựng từ thế kỷ XI. 

Năm 1414, giặc Minh cai trị nước ta, ở Cao Bằng chúng đặt quan Thái thú cho đóng quân ở gò Đống Lân, thành Na Lữ, bắt Nhân dân đóng sưu thuế nặng, đàn áp và hà hiếp, cuộc sống của Nhân dân vô cùng cực khổ. Trước tình hình đó, Bế Khắc Thiệu - một hào trưởng giàu có ở Cao Bằng đã chiêu quân đứng lên khởi nghĩa, đồng thời liên kết với Nông Đắc Thái tổ chức đánh giặc. 

Năm 1592, nhà Mạc lên Cao Bằng, Mạc Kính Cung chiếm lấy thành Na Lữ lập cung điện. Sau ba đời sinh sống ở Cao Bằng đến thời Mạc Kính Vũ bị quân Lê - Trịnh đánh bại. Nhà Mạc bỏ cung điện và thành Na Lữ chạy sang Trung Quốc.

Năm Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hy Tông, tức năm 1682, quan trấn thủ Cao Bằng là Lê Thì Hải đã tâu xin vua Lê cho sửa chữa thành Na Lữ cũ làm đền thờ vua Lê Thái Tổ (Đền Vua Lê hiện nay). Lấy áo bào và thanh kiếm thờ ở chỗ ngai vàng.
 


Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chống Mỹ Đền Vua Lê là nơi hoạt động bí mật của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra tại đây.

Đầu năm 1936 đồng chí Hoàng Đình Giong, Ủy viên BTVTWĐ từ nước ngoài về đây triệu tập cuộc họp tỉnh ủy mở rộng, có đại biểu các châu tới dự. Sau khi kết thúc cuộc họp đồng chí Hoàng Đình Giong chuẩn bị xuống vùng Duyên Hải (Hải Phòng - Quảng Ninh). Ngày 31/01/1936 đồng chí Lê Mới - Bí thư tỉnh Ủy tiễn đưa đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Vọng Bình (đóng giả vợ chồng) lên đường. 

Tháng 01/1936, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Hội nghị mở rộng nhằm củng cố Đoàn thanh niên và bầu ra BCH thanh niên cộng sản do đồng chí Lê Văn Thùy (tức Lê Lai) làm bí thư. 

Năm 1942 họp Hội nghị BCH tỉnh ủy Cao Bằng, có các đồng chí: Hoàng Đức Thạc, Hoàng Sâm, Hoàng Tô, Lê Khương, Dương Mạc Thạch, Lê Tòng được bầu làm Bí thư.

Năm 1944 họp Hội nghị Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) chủ trì và đồng chí được Hội nghị cử làm Bí thư. 

Tháng 9/1945 đồng chí Hoàng Đình Giong tổ chức thành lập Đội quân Nam tiến (gồm 07 phân đội, 150 người và chỉ huy hành quân đi Nam tiến)...

Trong kháng chiến chống mỹ cứu nước, Đền Vua Lê là nơi sơ tán của các cơ quan của tỉnh như: Trường Đảng, Nhà máy giấy Cao Bằng. 
 

     Lễ hội Đền Vua Lê được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hằng năm.


Di tích Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ và Bia Câu Thủy Bi ký năm 1702


Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2124/QĐ-BVHTT ngày 12/7/2011 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 

Địa điểm

Núi Phia Tém - xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.


Lịch sử di tích


-  Bảo vật quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ


Nơi khắc bài thơ bằng chữ Hán của vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) năm 1431.

Bài thơ Ngự Chế được Vua Lê Thái Tổ cảm khái làm trong lần vua thân  chinh đem quân lên châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên để dẹp Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái năm 1430; được khắc vào vách đá trên núi Phia Tém tháng giêng năm 1431. Căn cứ vào dòng lạc khoản, có thể khẳng định niên đại tuyệt đối của tấm bia Ngự Chế này được tạo tác vào ngày 20 tháng Giêng năm 1431 (Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 4, đời Vua Lê Thái Tổ). 

Sự tồn tại của văn bia khẳng định chủ quyền quốc gia Đại Việt ở vùng biên viễn. Đây là hiện vật gốc độc bản, là một trong những tuyệt tác của vua Lê Thái Tổ để lại.

Nội dung tấm bia là lời răn dạy bách tính về đạo đức của lòng trung quân, ái quốc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mãi trường tồn với thời gian. 

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ ở núi Phia Tém, xã Bình Long (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An), huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020. 

-  Bia Câu Thủy Bi ký năm 1702.

Bia Câu thủy nói về việc đào mương, đắp đập năm 1701 - đời vua Lê Hy Tông. 
 

Nội dung bia ghi chép về việc đào mương nước, tạm lược dịch như sau:

"Nước sông trong xanh thấu đáy, hoà cùng cảnh sắc trời xanh. Ven sông đột ngột nổi lên ngọn núi cao, non nước quyện hoà tạo cảnh đẹp. Quan bản chức xã Tuyền Khê, tổng Xuất Tính, châu Thạch Lâm thấy xứ này địa thế rồng cuộn, hạc chầu. Vào bên trong, đất rộng nhưng bị bỏ hoang không người cày cấy. Ông cho rằng nếu cải tạo được có thể mưu sinh tốt. Cho nên từ  tháng 2 năm Tân Tỵ (1701) đến thượng tuần tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1702), người ta đắp một con đập dài 18 trượng 7 thước để giữ nước. Liền đó mở một con mương dài 18 trượng để dẫn nước vào đồng ruộng khiến cho mùa màng tươi tốt, Bản Chức và mọi người đều vui vẻ. Việc làm nông khiến cho cuộc sống của con người đổi mới, đời đời được hưởng sự yên vui thanh bình, lưu truyền mãi muôn đời. Vì vậy lập bia để ghi lại sự việc này cũng như địa thế và cảnh đẹp nơi đây".  

Bài minh văn trên bia Câu thủy đề cập rất cụ thể tới tên đất, tên người, giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu, cơ sở khi nghiên cứu các lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Văn hoá của vùng đất Cao Bằng, trong đó có vấn đề sản xuất nông  nghiệp, công tác thủy lợi...

Bên cạnh giá trị về nội dung, lịch sử, văn hóa, khoa học hai văn bia còn mang giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt là Bia Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ, đây là tác phẩm độc đáo về nghệ thuật chạm khắc chữ vào vách đá (bia ma nhai). Nghệ nhân khắc bia đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ để tạo nên tác phẩm có giá trị lớn về nhiều mặt, lưu lại cho muôn đời sau.      

Di tích Thành Nà Lữ

Thành Nà Lữ do Cao Biền đắp vào đời Đường Hy Tông niên hiệu Hàm Phong thứ 7 (864).

Nhà Mạc lên Cao Bằng (1594 - 1677) đã xây thành bằng gạch để đóng đô. Ngoài ra còn là trung tâm chính trị - kinh tế văn hoá của vương triều nhà Mạc ở Cao Bằng thế kỷ (XVI - XVII).

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 837/2004/QĐ-BVHTT ngày 03/3/2009 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm

Thuộc xóm Na Lữ, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Thành  Nà Lữ là một vùng trọng điểm giàu có của huyện Hoà An, dân cư sống ở ven sông, đất đai màu mỡ. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, có đầy đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Phía trước mặt là sông Bằng Giang sông nước trùng trùng, phía sau là dãy núi đá Liên sơn chót vót được xếp hạng tứ trụ, phía Bắc được án ngữ dãy núi Khắc Thiệu. Nhiều sự kiện lịch sử đã xảy ra trên mảnh đất này. 

Theo "Cao Bằng tạp chí" và "Thông sử tỉnh Cao Bằng" và các tư liệu thì thành Nà Lữ do Cao Biền đắp vào thời Đường, niên hiệu hàm phong thứ 7 thời gian tương đương với thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba. Năm giáp thân (864), nhà Đường sang xâm lược nước ta, cử Cao Biền làm tiết độ sứ, cho quân đắp thành Đại La ở bờ sông Tô Lịch Hà Nội. Cùng lúc dó Cao Biền cho xây thêm ba thành nữa ở vùng núi phía Bắc đó là: Thành Lạng Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn, thành Nà Lữ xã Hoàng Tung, huyện Hoà An và thành Phục Hoà thuộc xã Hoà Thuận, huyện Phục Hoà tỉnh Cao Bằng.

Thành Nà Lữ được xây bằng đất từ năm 265 (thời Tần Vũ Đế), đến năm 866 (đời Đường Hy Tông, năm Hàm Phong thứ 5 tháng 11 Bính Tuất) được Cao Biền (Tiết độ sứ) cho xây dựng cùng với thành Đại La, thành Phục Hòa và thành Lạng Sơn. Thời vua Lý Thái Tông (1048 - 1055), Nùng Trí Cao đã lấy chỗ này làm nơi chiêu binh luyện mã. Tháng 2 năm 1431, Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi Cao Hoàng Đế) thân chinh lên dẹp Bế Khắc Thiệu do nghi ngờ dung túng cho tướng Trần Nguyên Hãn làm phản, vua cho lập sinh từ thờ vua ở gò Con Rồng là Đền vua Lê ngày nay
 
(Đá xây chân tường thành Na Lữ)

Di tích Nặm Lìn

Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng và của huyện Hòa An (01/4/1930).

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm

Thuộc xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
 

Lịch sử di tích

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) bùng nổ, cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho loài người.

Cùng lúc đó đồng chí Nguyễn Ái Quốc một nhà yêu nước vĩ đại, một lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta. Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân đã tới Matx - Cơ - Va đến với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đến với chủ nghĩa Mác - Lê - Nin, tại đây Người đã tìm thấy chân lý cách mạng, con đường đấu tranh giải phóng của dân tộc ta.

Sự ra đời của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội năm 1925 có một tác dụng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng trong nước, thu hút được những trí thức cách mạng, những thanh niên yêu nước Việt Nam lần lượt tìm đường ra nước ngoài cụ thể là đến Quảng Châu (Trung Quốc) nhập vào tổ chức cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc phong trào cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mới, nổi bật là phong trào vô sản hoá, nhiều cán bộ phải bí mật đi vào nhà máy, hầm mỏ hoạt động làm chuyển biến phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân.
Ở Cao Bằng cũng trong thời kỳ này đã xuất hiện các tổ chức yêu nước như: Hội đánh Tây, Hội Thanh niên Phản đế... thu hút được nhiều thanh niên yêu nước, tiêu biểu cho phong trào này là đồng chí Hoàng Đình Giong.

Ngày 03/02/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam đã có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, đó là Đảng Mác - xít  Lê - nin - nít.

Tháng 12/1929 đổng chí Lê Hồng Phong đang hoạt động ở Trung Quốc đã trực tiếp mời đồng chí Hoàng Văn Nọn sang Trung Quốc gặp đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Hoàng Văn Thụ họp bàn thành lập Chi bộ Hải Ngoại do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư. Sau đấy đồng chí Hoàng Văn Nọn được cử về Cao Bằng trực tiếp tổ chức hai đồng chí là Nông Văn Đô (tức Bình Giang) và đồng chí Lê Đoàn Chu (tức Nam Cao) kết nạp vào Đảng Cộng sản. Lễ kết nạp đồng chí Đô và đồng chí Chu được tổ chức tại khu suối Nặm Lìn một địa điểm ở ngay đầu thôn Hào Lịch. Tại đây đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng vào ngày 01/4/1930 (tức ngày 03/3 âm lịch) khi thành lập Chi bộ Đảng đồng chí Như tuyên bố: “Đây là tổ chức của Đảng Cộng sản, là chi bộ đầu tiên của địa phương ta, đồng thời đây cũng là Tỉnh ủy lâm thời”.

Chi bộ nhất trí cử đồng chí Hoàng Văn Nọn làm bí thư, Nghị quyết của Tỉnh ủy lâm thời là: tích cực phát triển Đảng, đặc biệt là khu mỏ thiếc Tĩnh Túc và thị xã Cao Bằng; đẩy mạnh phong trào chống thuế, chống phu, thu lạm bổ, chống thất thu vào ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền gạo…
 Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng đã đánh dấu một bước phát triển mới, một bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Chi bộ đầu tiên được thành lập kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chứng tỏ Chủ nghĩa Mác - Lê - Nin đã được truyền bá vào Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác. Từ đấy cách mạng Việt Nam đã có một chính Đảng lãnh đạo, đó là Đảng của giai cấp vô sản.

Di tích Ngườm Slưa 

Hang Ngườm Slưa (Hang Hùm) là cơ sở hoạt động của Đảng từ năm 1932 đến năm 1936; nơi in báo Cờ Đỏ (1932 - 1933); nơi đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Hoàng Đình Giong đến làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng (7/1933).

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm

Thuộc xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Ngay từ đầu năm 1942 đồng chí Hoàng Đình Giong đã đến hang này thành lập cơ quan Báo Cờ đỏ, nhưng thời gian duy trì chỉ được có 6 tháng. Vì lúc này địch kiểm soát gắt gao, ta không thể liên hệ mua được giấy mực, hơn nữa đồng chí Hoàng Đình Giong là chủ bút, kiêm biên tập lại hay đi công tác ở nhiều nơi.

Tháng 7/1933 đồng chí Lê Hồng Phong đến kiểm tra công tác hoạt động của Đảng ở Cao Bằng đã được đồng chí Nông Văn Đô và đồng chí Lê Mới bố trí cho đồng chí Lê Hồng Phong hằng ngày làm việc hoạt động ở đây. 

Quán triệt chủ trương của Đảng, Đảng bộ Cao Bằng đã vận động Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng phong trào “Đại hội Đông Dương”. Tháng 5/1936 tại Hang Hùm tổ chức họp Đông Dương Đại hội.
 

Di tích Hang Ngườm Bốc

 Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường bí mật qua lại để trực tiếp chỉ đạo cách mạng và tiếp xúc với quần chúng cách mạng (1942 - 1945); nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết trong Chiến dịch Biên giới tháng 10/1950, xưởng quân giới Lê Tổ ở và làm việc (1947 - 1950); Di chỉ khảo cổ cách ngày nay khoảng 10.000 năm.

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 02/2004/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2004 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm

Thuộc xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
 
  

Lịch sử di tích


Ngườm Bốc nằm ở sườn tây dãy núi Lam Sơn, thuộc xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt. Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử về quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1942 - 1945. 
 

Từ cuối tháng 3 đến tháng 8 năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển từ Pác Bó về căn cứ địa ở Lam Sơn để chỉ đạo cách mạng ở Lam Sơn. Trong thời gian này, Người thường bí mật qua lại khu vực hang Ngườm Bốc để tổ chức chỉ đạo cách mạng và tiếp xúc với quần chúng cách mạng;

Tháng 5 năm 1945, tại khu vực hang Ngườm Bốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự họp với lãnh đạo Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng để bàn về công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng 1945.

Tháng 10 năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới; nói chuyện với công nhân xưởng quân giới Lê Tổ và đại diện Nhân dân xã Hồng Việt, huyện Hòa An.

- Ngườm Bốc cũng là nơi xưởng quân giới Lê Tổ ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. 

- Trong truyền thuyết nổi tiếng Pú Luông - Slao Cải của đồng bào Tày thì Ngườm Bốc là nơi cư trú đầu tiên của hai nhân vật huyền thoại này ở đất Cao Bằng.

- Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy ở Ngườm Bốc nhiều di chỉ cho thấy đây từng là nơi cư trú của người tiền sử sơ kỳ đá mới, tương đương với Văn hóa Hòa Bình sớm, cách ngày nay khoảng 10.000 năm.

Di tích Hang Tốc Rù


Nơi in báo Cờ Đỏ cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng năm 1932 - 1935.

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 
 

Địa điểm

Thuộc xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Cuối năm 1932 Đảng bộ đã cho xuất bản tờ báo Cờ Đỏ tại hang Tốc Rù.

Báo được xuất bản đều kỳ và liên tục để các cơ sở nắm sát tình hình về chủ trương, đường lối của Đảng để phong trào được thống nhất, giác ngộ và động viên quần chúng được tốt. 

Báo Cờ đỏ được lưu hành đến năm 1935 thì bị lộ do địch kiểm soát gắt gao nên các đồng chí của ta không liên hệ mua được giấy, mực, nên báo Cờ đỏ ngừng hoạt động.

Mặc dù thời gian hoạt động của báo Cờ đỏ không được 1âu nhưng đã đóng một vai trò quan trong trong lịch sử cách mạng nước ta. Nhờ qua báo Cờ đỏ Đảng bộ Cao Bằng đã tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết vững bước đi lên trên con đường mà Đảng đã vạch ra. 

Di tích Hang Bó Hoài


Nơi in báo "Việt Nam Độc Lập" và còn là cơ quan của liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, và cũng là nơi ở của đồng chí Vũ Anh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng ta lúc bấy giờ.

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 
  

Địa điểm


Thuộc xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Nơi in Báo Việt Nam độc lập  từ cuối năm 1942 - 1945.   

Là trụ sở của cơ quan Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng năm 1942 - 1945, nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương như Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh... đến chỉ đạo phong trào cách mạng.  

Báo ra đời ngày 01/8/1941, để đảm bảo được báo ra đều và giữ được bí mật, đồng thời lúc này phong trào cách mạng ở Cao Bằng đã phát triển khá rộng, Để kịp thời và đáp ứng được cho quần chúng cách mạng, cuối năm 1942, Báo đã chuyển đến hang Bó Hoài thuộc khu Lam Sơn Hoà An.

Từ hang Bó Hoài báo “Việt Nam Độc Lập" đã được bí mật tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng Nhân dân, không những đối với phong trào của Cao Bằng mà còn tuyên truyền rộng rãi trong cả nước.

Vách núi Lũng Sa


Nơi diễn ra Hội nghị của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng (13/8/1944) chuẩn bị phát động khởi nghĩa

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm

Thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Tại vách núi Lũng Sa ngày 13/8/1944 đã diễn ra cuộc họp bí mật của liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng.

Hội nghị đã đi đến nhất trí, cần gấp rút chuẩn bị phát động khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng trong thời gian 2 tháng. Sau thời gian đó sẽ có một cuộc họp kiểm điểm lại tình hình, nếu đầy đủ điều kiện thì phát động khởi nghĩa của quần chúng. 

Vách núi Lũng Sa còn là nơi ở bí mật của các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng của ta lúc bấy giờ. Lũng Sa nằm ở phía Tây Bắc của khu di tích Lam Sơn. Lũng Sa có địa thế rất thuận lợi, từ Lũng Sa ta có thể đi theo được các hướng, vì lúc này phong trào Cách mạng đã lan rộng khắp trong tỉnh. Do có địa thế thuận lợi như vậy nên sau khi xưởng chế tạo mìn ở Lũng Chung không thành đã chuyển sang địa điểm Lũng này.

Nền nhà ông Mã Văn Hản


Nơi Bác Hồ ở và làm việc tháng 4 năm 1942. Hằng ngày Bác Hồ thường tiếp xúc với quần chúng, giúp việc gia đình, chỉ đạo phong trào cách mạng.
Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Địa điểm

Thuộc xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Tháng 4 năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh với cái tên Nguyễn Ái Quốc đã rời lán Khuổi Nặm - Pác Bó thuộc huyện Hà Quảng để về căn cứ núi đá Lam Sơn thuộc huyện Hoà An. Ngôi nhà gia đình ông Mã Văn Hản đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng của Người đến ở và làm việc khá lâu. 

Ngôi nhà ông Mã Văn Hản không những là cơ sở ở và làm việc cách mạng của Bác mà còn là cơ sở hoạt động đi lại làm việc của Báo Việt Nam độc lập đầu năm 1942. 

Ngoài ra ngôi nhà này cũng là cơ sở hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cách mạng Trung ương và địa phương, trong đó có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp... 

Thông qua nội dung giá trị lịch sử của ngôi nhà ông Mã Văn Hản, nay là địa điểm nền nhà cũ đã trở thành một di tích lịch sử cách mạng lưu niệm sự kiện và danh nhân. Đó là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc đã có công với nước với cách mạng, góp phần giành thắng lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Di tích Hang Bó Tháy


Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc, trực tiếp chỉ đạo in Báo Việt Nam độc lập tại đây và mở lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ cách mạng chủ chốt của tỉnh Cao Bằng tháng 4/1942.

Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 188/VH/QĐ/BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 
 

Địa điểm

Thuộc xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Lam Sơn ở và làm việc tại nhà ông Mã Văn Hản, hang Mương Khao… thuộc Lũng Hoài xã Hồng Việt thì hang Bó Tháy đã là nơi ở và làm việc của báo “Việt Nam độc lập”, cơ sở hoạt động của các đồng chí cán bộ cách mạng. Vì vậy hang Bó Tháy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn điểm đến ở và làm việc bí mật cách mạng trong khoảng thời gian tháng 4, tháng 5 năm 1942. 

Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo, nắm sát các cơ sở cách mạng ở Lam Sơn cũng như ở những nơi xa. Người đã tổ chức mở lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ chủ chốt của tỉnh Cao Bằng, những lớp học huấn luyện chính trị được mở rất ngắn ngày (khoảng 1 tuần) trong đó có các đồng chí được học như Nguyễn Khánh Kiu, Lê Ngọc Bôi, Lê Khương, Bình Dương và cả số nữ cán bộ cách mạng được học như: Minh Khai, Xuân Hồng, Tám, Loan...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo Báo Việt Nam độc lập do đồng chí Vũ Anh phụ trách, Người đã tham gia soạn thảo in một số bài chính trị để tuyên truyền cách mạng, một số bài thơ ca cách mạng... Hằng ngày Người nghỉ trong hang và thường làm việc ở ngoài hang, một nơi rất kín đáo bảo đảm bí mật. Cuộc sống ở đây của những người hoạt động cách mạng đầy gian lao vất vả nhưng vẫn lạc quan tin tưởng ở sự thắng lợi cho cách mạng Việt nam.

Di tích lịch sử “Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Xe - Máy Quân đội” xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 20/4/2006 của UBND tỉnh Cao Bằng.

Được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 703/QĐ-BVHTTDL ngày 20/03/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 
 

Địa điểm

Thuộc xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích

Di tích lịch sử “Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Xe - Máy Quân đội” nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với đơn vị bộ đội vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 3 năm 1951 tại xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho toàn ngành Xe - Máy Quân đội và cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chuyến công tác kiểm tra việc sửa chữa cầu đường và một số cơ sở vận tải trên đường Quốc lộ 3, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện với hai đại đội vận tải đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng, tại thửa ruộng bậc thang Bác dừng chân hôm đó, Bác đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên, căn dặn cán bộ, chiến sĩ ngành xe - máy những điều vô cùng giản dị song mang nhiều ý nghĩa sâu sắc "Yêu xe như con, quý xăng như máu", đặc biệt lúc đó, đất nước ta đang trong giai đoạn gặp muôn vàn khó khăn. Nước ta chưa sản xuất được xe; xăng, dầu thiếu thốn, kháng chiến còn dài, chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy việc giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội, phục vụ tiền tuyến là việc làm quan trọng. 

Lời dặn của Bác trở thành tư tưởng chỉ đạo, kim chỉ nam và phương châm hành động của ngành Xe - Máy quân đội, cũng là bài học về tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho mỗi cán bộ, chiến sỹ và mỗi người dân; ngày 28/3 hằng năm cũng trở thành Ngày truyền thống của ngành xe - máy Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Tác giả: admin

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại153,017
  • Tổng lượt truy cập554,562



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây