Di tích lịch sử cấp tỉnh Phja Toọc - nơi in Báo Lao động

Thứ sáu - 15/03/2024 04:14
Phja Toọc là nơi in Báo Lao động năm 1937, cơ quan tuyên truyền ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Di tích mang giá trị rất lớn về lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Phja Toọc được người dân gọi là núi Một, ở tổ dân phố 4, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng). Tương truyền, khu Phja Toọc trước kia là một ngôi làng, dân cư sinh sống đông đúc, trong làng có một người nông dân hiền lành, tốt bụng thường đi câu cá ở Rằng Vạ (ao trời). Một buổi sáng, anh nông dân bắt được một con cá tiên (cá chép rất to), mang về định làm thịt cá mời gia đình và hàng xóm ăn. Nhưng khi vừa mang cá về đến nhà, trời bỗng xám xịt, nổi cơn giông bão và có một tiếng nổ vang trời tách ngọn núi gần làng thành một phần về phía xóm Nà Rằng, một số hòn đá khác rơi vãi trên đường tạo thành một khe núi. Từ đó, nhân dân gọi là Phja Toọc (theo tiếng địa phương nghĩa là ngọn núi đơn lẻ).

Di tích lịch sử Phja Toọc, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) là nơi in Báo Lao động năm 1937.
Di tích lịch sử Phja Toọc, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng) là nơi in Báo Lao động năm 1937.

Trong những năm 1936 - 1937, Thông Nông là địa bàn có phong trào quần chúng phát triển mạnh. Tỉnh ủy Cao Bằng quyết định xây dựng Thông Nông thành cơ sở cách mạng, cơ quan Tỉnh ủy chuyển về đây, đồng thời chọn Phja Toọc làm nơi in ấn Báo Lao động - cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh bởi Phja Toọc nằm trên địa thế thuận lợi: gần dân, gần đường, từ trên cao có thể bao quát được vùng xung quanh rộng lớn. Địa điểm in ấn, cất báo được đặt trong một hang đá khá rộng, đảm bảo bí mật, an toàn; mái đá chia làm 2 khu, khu trên dùng làm nơi in ấn, khu dưới là nơi cất giấu và phơi báo. Đồng chí Hoàng Sâm được giao làm chủ bút, các đồng chí Hồ Đức Thành, Nông Văn Nhỉn, Quốc Bảo trong Ban biên tập. 

 

Báo Lao động được in ấn theo phương pháp thủ công, dùng đá mài nhẵn khắc chữ trên mặt đá bằng cách viết chữ ngược; mực in viết lên trên và đặt giấy trắng lên, dùng con lăn bằng đá lăn trên mặt giấy. Nội dung của báo rất phong phú, bao gồm cả tin tức trong nước, thế giới; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng; các bài thơ cách mạng bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc nhằm kêu gọi đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết trên con đường đấu tranh cách mạng. Báo được phân phát đi các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An... bằng hình thức mở các quầy đại lý sách, báo ở những đầu mối giao thông quan trọng, đông dân cư. Các đại lý sách, báo này còn là đầu mối liên lạc giữa các huyện và tỉnh, giữa các cơ sở đảng trong huyện, giữa các tổ chức Đảng với tổ chức quần chúng. Báo góp phần quan trọng tuyên truyền, giác ngộ, hướng dẫn quần chúng nâng cao nhận thức chính trị và rèn luyện phong trào đấu tranh cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Qua đó, thu hút quần chúng tham gia cách mạng, đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Cùng với việc in báo, tại Phja Toọc, Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện ngắn ngày do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp hướng dẫn cho các cán bộ cơ sở để làm nòng cốt phong trào cách mạng địa phương.

Trải qua hơn nửa thế kỷ từ ngày đầu in Báo Lao động bí mật năm 1937, địa điểm khu di tích Phja Toọc vẫn được chính quyền và nhân dân địa phương gìn giữ nguyên hiện trạng ban đầu với tổng diện tích trên 10.400 m2. Đến năm 1999, Phja Toọc được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 365/QĐ-UBND ngày 23/3/1999. Di tích không chỉ là minh chứng lịch sử về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng nói riêng, Cao Bằng nói chung mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. 

Học sinh tham gia vệ sinh Khu di tích lịch sử Phja Toọc, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng).
Học sinh tham gia vệ sinh Khu di tích lịch sử Phja Toọc, thị trấn Thông Nông (Hà Quảng).

Năm 2020, Khu di tích lịch sử Phja Toọc được huyện Hà Quảng quan tâm huy động nguồn lực đầu tư tôn tạo theo quy mô công trình cấp IV với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng, gồm các hạng mục: nhà bia, bậc lên hang, bậc đường mòn, đường vào, lan can, biển báo. Công trình được xây dựng đúng tiến độ, khối lượng và chất lượng, tạo nên một diện mạo mới khang trang, xứng tầm với giá trị lịch sử của di tích.

Hằng năm, các trường học, Đoàn Thanh niên và nhân dân trên địa bàn thường xuyên phối hợp tổ chức phát quang, vệ sinh khu di tích, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhân các dịp lễ, kỷ niệm của địa phương, kết nạp Đoàn, Đội cho học sinh, thanh niên tại nơi đây.        

 

Tác giả: Bảo Bình

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay8,484
  • Tháng hiện tại139,461
  • Tổng lượt truy cập541,006



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây