Di tích lịch sử cách mạng xã Nà Sác (Hà Quảng)

Thứ bảy - 31/10/2015 04:29
Nà Sác là xã vùng cao, biên giới của huyện Hà Quảng, có 2,7 km đường biên giới giáp với Trung Quốc.
Di tích lịch sử cách mạng xã Nà Sác (Hà Quảng)
Di tích làng Lũng Loỏng, xã Nà Sác (Hà Quảng).

Ngay sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên châu Hà Quảng ra đời (20/6/1931) tại hang Phja Nọi, xóm Cốc Sâu, xã Sóc Giang (nay thuộc xã Nà Sác) đã lấy địa bàn xã Nà Sác làm cơ sở hoạt động chính và đầu tiên của châu Hà Quảng. Đến tháng 5/1935, cũng tại nơi đây đã tổ chức hội nghị để bàn về việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, mở rộng quan hệ mật thiết với Châu ủy châu Hòa An và Ban lãnh đạo Đảng ở Long Châu (Trung Quốc). Tại đây đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ châu Hà Quảng đầu tiên gồm 5 đồng chí: Hoàng Tô (bí thư), Đào Đức, Phúc Kiến, Lê Quảng Ba, Quý Quân. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của tổ chức cơ sở đảng và sự phát triển vững chắc của phong trào cách mạng địa phương, nhằm đánh bại âm mưu tiêu diệt Đảng ta, của bọn thực dân trong thời kỳ khủng bố những năm 1932 - 1935.

Bước sang những năm 1937 - 1938, Châu ủy Hà Quảng mở rộng cơ sở cách mạng, mở rộng hơn nữa chỗ đứng chân của cách mạng, từ xã Nà Sác đến vùng Lục khu. Đến năm 1938, Châu ủy Hà Quảng quyết định thành lập Chi bộ Đảng ở vùng Biên - Khu (Biên giới - Lục Khu), nơi đã được tuyên truyền vận động quần chúng tham gia tích cực vào các hội “Hội phòng phỉ”, “Hội đánh Tây”, nhiều gia đình ở dọc biên giới là cơ sở cách mạng từ vùng Lục Khu - Pác Bó nối liền đến xã Nà Sác. Xã Nà Sác khi đó đã trở thành nơi trung tâm căn cứ địa cách mạng an toàn của phong trào cách mạng Hà Quảng.

Đến tháng 2/1940, tại xóm Cốc Sâu, Châu ủy Hà Quảng đã tổ chức họp Châu ủy mở rộng về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong giai đoạn mới. Hội nghị đánh giá về xã Nà Sác và xã Trường Hà là một trong những cơ sở vững chắc của châu Hà Quảng. Đây là nơi có đủ điều kiện cho căn cứ địa cách mạng tỉnh Cao Bằng chuẩn bị đón Bác Hồ về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau này.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm hoạt động tìm đường cứu nước đã từ nước ngoài trở về Tổ quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc hướng dẫn chỉ đạo phong trào cách mạng Hà Quảng, chú trọng tổ chức xây dựng thí điểm mặt trận Việt Minh. Chỉ sau 3 tháng thực hiện thí điểm Mặt trận Việt Minh, Nà Sác là một trong những xã được chọn làm thí điểm và trở thành “xã Việt Minh hoàn toàn”, đã chứng minh cho sự thành công thí điểm Mặt trận Việt Minh ở các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; góp phần quan trọng cho hội nghị tổng kết thí điểm Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng thành công (4/1941).

Tháng 5/1941, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ VIII tại lán Khuổi Nặm - Pác Bó dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 6/1941, Châu ủy Hà Quảng tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ I ở xóm Mã Lịp, bàn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ VIII và bầu Ban Chấp hành Huyện ủy khóa I gồm 5 đồng chí: Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm, Thụy Hùng, Đức Thanh. Đồng chí Lê Quảng Ba được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Từ đó phong trào cách mạng tại các địa phương của Hà Quảng tiến lên mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình xây dựng Mặt trận Việt Minh.

Cuối năm 1941, Ban Việt Minh xã Nà Sác được thành lập, do ông Sầm Văn Quận (tức Chấn Hưng) làm chủ nhiệm. Dưới sự lãnh đạo của Châu ủy, Ban Việt Minh xã đã sớm tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, chọn cử những đội viên trung kiên khỏe mạnh trong lực lượng tự vệ của các xóm, bản. Đến năm 1942, xã Nà Sác thành lập 4 trung đội tự vệ/20 trung đội của châu Hà Quảng, trong đó có 2 trung đội giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ. Điển hình trong phong trào Việt Minh phát triển vững mạnh trở thành các “làng hoàn toàn” là làng Cốc Sâu, làng Lũng Loỏng, sau này được Chính phủ tặng danh hiệu “Làng có công với nước”. Tại Lũng Loỏng, quần chúng nhân dân đã tổ chức xếp đá để rào làng phòng vệ chiến đấu, gọi là “làng chiến đấu” được cắt cử canh gác cẩn mật, đảm bảo an toàn cho cán bộ và cho nhân dân.

Ngày 20/8/1942, tại làng Lũng Loỏng đã tổ chức Đại hội đại biểu Việt Minh châu Hà Quảng (gọi là Ban Việt Minh châu SR). Ban Việt Minh châu gồm có: Hoàng Tô (chủ nhiệm), Dương Đại Lâm, Tư Bào, Đức Thanh, Nông Thị Trưng. Lực lượng tự vệ xã Nà Sác vinh dự được góp phần bảo vệ thành công Đại hội.

Đầu năm 1943, để nắm tình hình việc thực hiện nghị quyết của hội nghị đại biểu Việt Minh, nhằm củng cố và đẩy mạnh phong trào cách mạng, tại xã Nà Sác, Tổng bộ Việt Minh đã thành lập một đoàn cán bộ với danh nghĩa “Thượng cấp tuần thị” để tiến hành kiểm tra phong trào 3 huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Đoàn lấy xã Nà Sác làm nơi xuất phát, nên đã có cuộc mít tinh lớn tại Lũng Loỏng có gần 1.000 đồng bào tham gia.

Tháng 8/1943 tại Đoỏng Sí Nính đã tập trung được 1.000 tự vệ thường, tự vệ chiến đấu, và cán bộ Ban Việt Minh các xã tới dự cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn. Cũng trong thời gian đó đã thành lập tại Lũng Loỏng đội tuyên truyền cách mạng là “Nam tiến” và “Tây tiến” để mở rộng và củng cố địa bàn cách mạng từ trong tỉnh ra ngoài tỉnh. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ Hà Quảng về việc vận động quần chúng nhân dân, các làng bản đóng góp, tích trữ lương thực, lập các kho thóc bí mật ủng hộ cách mạng. Tại Lũng Ngàm Giảo đã lập kho thóc bí mật chung của toàn xã, từ năm 1941 - 1945 đã xây dựng thành một cơ sở bí mật cách mạng của xã và của châu Hà Quảng.

Với địa hình hiểm trở của một thung lũng núi đá vôi, đảm bảo các yếu tố bí mật kín đáo, có đủ điều kiện như hang đá, mỏ nước, bãi tập nên tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của châu Hà Quảng. Đó là cơ sở hoạt động bí mật của các đồng chí Hoàng Tô, Lê Quảng Ba..., là nơi học tập văn hóa, chính trị và quân sự.

Mùa hè năm 1944, tại xã Nà Sác đã thành lập Đội vũ trang thoát ly châu Hà Quảng gồm 50 chiến sỹ được tuyển chọn từ các đội vũ trang ở các xã, do đồng chí Dương Đại Lâm chỉ huy. Đội vũ trang châu Hà Quảng đã lấy địa bàn xã Nà Sác làm nơi trung tâm hoạt động tập trung.

 Tại nhà ông Nông Hiền Hữu (tức Quất), xóm Thua Phja (làng Hòa Mục hiện nay) được xây dựng làm cơ sở liên lạc cách mạng giữa cán bộ Trung ương và cán bộ địa phương, giữa vùng cao và vùng thấp trong những năm 1941 - 1945. Đến tháng 5/1945, được vinh dự là nơi Bác Hồ đến nghỉ và làm việc trên đường từ Pác Bó đi Tân Trào.

Một sự kiện lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng của xã Nà Sác là từ đầu tháng 10/1944 đến đầu năm 1945 tại một địa điểm thuộc làng Lũng Cát (làng sát biên giới Việt - Trung) đã trở thành nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn đến ở và làm việc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh đang công tác chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng ở vùng núi Lam Sơn (Hòa An) đã đến báo cáo tình hình và xin chỉ thị Bác - sau đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng sắp nổ ra; Chỉ thị tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân... Các địa danh Lũng Cát, Mã Lịp, Lũng Bó Nà Sác (Hà Quảng) và Lũng Ý (Trung Quốc) là nơi ghi dấu những hoạt động của lãnh tụ Hồ Chí Minh cuối năm 1944, đầu năm 1945.

Trong những năm 1945, xã Nà Sác, từ “xã hoàn toàn” trở thành “xã Đỏ”, còn gọi là “xã Hồng Việt” của châu Hà Quảng. Hiện nay, xã Nà Sác còn có một chi bộ Đảng mang danh là “Chi bộ Hồng Việt” để phát huy truyền thống lịch sử quê hương cách mạng.

Xã Nà Sác hiện nay có 5 địa điểm di tích lịch sử cách mạng được UBND tỉnh công nhận xếp hạng, cần được bảo tồn và tuyên truyền phát huy giá trị lịch sử. Đó là hang Phja Nọi, Lũng Cát, Lũng Loỏng, Lũng Ngàm Giảo và địa điểm nền nhà ông Nông Hiền Hữu.

Xã Nà Sác xứng đáng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu theo Quyết định số 988/QĐ-TTg, ngày 14/6/2014.

Tác giả: Lăng Thanh Đức

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,377
  • Tổng lượt truy cập555,922



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây