Di tích Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ và Bia Câu Thủy Bi ký năm 1702

Thứ hai - 06/11/2023 04:50
Được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2124/QĐ-BVHTT ngày 12/7/2011 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
 
 

Địa điểm: Núi Phia Tém - xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Lịch sử di tích
 

Bảo vật quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ

Nơi khắc bài thơ bằng chữ Hán của vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) năm 1431.

Bài thơ Ngự Chế được Vua Lê Thái Tổ cảm khái làm trong lần vua thân  chinh đem quân lên châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên để dẹp Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái năm 1430; được khắc vào vách đá trên núi Phia Tém tháng giêng năm 1431. Căn cứ vào dòng lạc khoản, có thể khẳng định niên đại tuyệt đối của tấm bia Ngự Chế này được tạo tác vào ngày 20 tháng Giêng năm 1431 (Niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 4, đời Vua Lê Thái Tổ). 

Sự tồn tại của văn bia khẳng định chủ quyền quốc gia Đại Việt ở vùng biên viễn. Đây là hiện vật gốc độc bản, là một trong những tuyệt tác của vua Lê Thái Tổ để lại.

Nội dung tấm bia là lời răn dạy bách tính về đạo đức của lòng trung quân, ái quốc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mãi trường tồn với thời gian. 

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Bia Ma nhai Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ ở núi Phia Tém, xã Bình Long (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An), huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020. 

-  Bia Câu Thủy Bi ký năm 1702.

Bia Câu thủy nói về việc đào mương, đắp đập năm 1701 - đời vua Lê Hy Tông. 
 

Nội dung bia ghi chép về việc đào mương nước, tạm lược dịch như sau:

"Nước sông trong xanh thấu đáy, hoà cùng cảnh sắc trời xanh. Ven sông đột ngột nổi lên ngọn núi cao, non nước quyện hoà tạo cảnh đẹp. Quan bản chức xã Tuyền Khê, tổng Xuất Tính, châu Thạch Lâm thấy xứ này địa thế rồng cuộn, hạc chầu. Vào bên trong, đất rộng nhưng bị bỏ hoang không người cày cấy. Ông cho rằng nếu cải tạo được có thể mưu sinh tốt. Cho nên từ  tháng 2 năm Tân Tỵ (1701) đến thượng tuần tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1702), người ta đắp một con đập dài 18 trượng 7 thước để giữ nước. Liền đó mở một con mương dài 18 trượng để dẫn nước vào đồng ruộng khiến cho mùa màng tươi tốt, Bản Chức và mọi người đều vui vẻ. Việc làm nông khiến cho cuộc sống của con người đổi mới, đời đời được hưởng sự yên vui thanh bình, lưu truyền mãi muôn đời. Vì vậy lập bia để ghi lại sự việc này cũng như địa thế và cảnh đẹp nơi đây".  

Bài minh văn trên bia Câu thủy đề cập rất cụ thể tới tên đất, tên người, giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu, cơ sở khi nghiên cứu các lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Văn hoá của vùng đất Cao Bằng, trong đó có vấn đề sản xuất nông  nghiệp, công tác thủy lợi...

Bên cạnh giá trị về nội dung, lịch sử, văn hóa, khoa học hai văn bia còn mang giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt là Bia Ngự chế của Vua Lê Thái Tổ, đây là tác phẩm độc đáo về nghệ thuật chạm khắc chữ vào vách đá (bia ma nhai). Nghệ nhân khắc bia đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ để tạo nên tác phẩm có giá trị lớn về nhiều mặt, lưu lại cho muôn đời sau.      

Nguồn tin: Tuyên truyền Di tích huyện Hòa AN

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại153,024
  • Tổng lượt truy cập554,569



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây