Di tích xếp hạng cấp tỉnh

Thứ sáu - 03/11/2023 10:50
Mục lục

1. Di tích Đền Dẻ Đoóng

1.1 Địa đểm


Thuộc xóm Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

1.2. Lịch sử di tích

Tương truyền: ngày xưa có một chàng trai người họ Bế ở Bản Vạn, chàng sinh sống bằng nghề đánh cá, đến ngày giỗ cha không có thức ăn, chàng đi quăng chài hy vọng sẽ được một mẻ cá để về tổ chức giỗ bố, nhưng quăng mãi từ Hoằng Bó đến vực Chuông Đà Quận mà không được con cá nào, lúc nào kéo chài lên cũng chỉ được một hòn đá hình hai người, chàng chắp tay cầu khấn: "Nếu là thần thánh xin cho một mẻ cá về giỗ cha" và chàng đã quăng chài được một mẻ cá đầy. Vì thấy lời khấn của mình có hiển linh, nên chàng trai đã đem hòn đá về lập miếu thờ ở Vò Ban (nghĩa trang liệt sỹ cũ của huyện Hòa An phía trên đồi mỏ nước Hoằng Bó). Vào một một đêm mưa to, gió lớn miếu thờ bị tốc mái, một gắp tranh bay sang Dẻ Đoóng, từ đó đến nay Nhân dân đã dựng miếu thờ tại đây.

Vào những năm cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI cuộc tranh giành quyền lực của các thế lực phong kiến Lê - Trịnh - Mạc diễn ra. Nhà Mạc thất thủ lên Cao Bằng (1594 - 1677) và đóng đô ở thành Na Lữ. Trải qua ba đời vua Mạc ở Cao Bằng, nhà Mạc đã cho quân sản xuất gạch, ngói để xây dựng thành quách, cung diện và xây dựng đền, chùa trong đó có đền Dẻ Đoóng.

Năm 1677 sau khi dẹp xong nhà Mạc, Vua Lê đã cho quân sửa sang lại đền Dẻ Đoóng để làm nơi thờ phật, "Hòn đá thần" và thờ thánh mẫu.
Đền Dẻ Đoóng nằm trong khu di tích lịch sử cách mạng Lam Sơn. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Lam sơn là căn cứ địa cách mạng của cuộc kháng chiến giai đoạn 1941 - 1945.

Nơi đây cách trung tâm huyện Hoà An khoảng hơn 0l km (quân Nhật đang chiếm đóng), nhưng do được bảo vệ cẩn thận nên buổi mít tinh chào mừng UBND lâm thời thành công tốt đẹp. Đến ngày 22/8/1945 UBND tỉnh làm lễ ra mắt chính thức tại thị xã Cao Bằng.

Lễ hội đền Dẻ Đoóng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng (âm lịch) hng năm.

2. Di tích Cốc Phát

Là hòm thư bí mật, đường dây liên lạc của Tỉnh ủy Cao Bằng giai đoạn 1941 - 1944, nơi thành lập Ban Chấp hành Nông dân cứu quốc châu Hoà An.
Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2933/QĐ-VX-UB ngày 04/12/2003 của UBND tỉnh Cao Bằng

2.1. Địa điểm

Thuộc xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

2.2. Lịch sử di tích

Những năm 1941 - 1944 địch khủng bố rất dã man, cũng như ở một số địa phương khác phong trào cách mạng ở thôn Hào Lịch cũng diễn ra sôi nổi. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp bí mật ở Cốc Lại, Pắc Pán, Cốc Giọng, ngoài ra ở thôn này còn có một gốc cây Nhối rất to, đồng chí Lê Nam Hán đã phát hiện trên thân cây có một hốc tự nhiên, đồng chí đã lợi dụng hốc cây này để làm hòm thư bí mật.
Tháng 6/1942, Cốc Phát còn là nơi thành lập Ban Chấp hành Nông dân cứu quốc Châu Hoà An gồm các đồng chí: Việt Hoàn, Bình Tây, Hải Thông... Sự ra đời của Ban Chấp hành có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của phong trào cách mạng Hòa An. Trong suốt một thời gian dài, Cốc Phát vẫn là một địa điểm hoạt động bí mật rất quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám sau này.  

3. Di tích Thành Nhà Mạc

Nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng (1594 - 1677) đã xây thành phòng thủ ở đây nên gọi là địa điểm di tích thành nhà Mạc; nơi Tỉnh ủy Cao Bằng triệu tập Đại hội đại biểu Việt Minh lần thứ nhất ngày 22/11/1942.

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc công nhận di tích cấp tỉnh.

3.1. Địa điểm

Thuộc thung lũng Bó Hoài, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

 

 

3.2. Lịch sử di tích

Thời kỳ nhà Mạc lên đóng đô ở Cao Bằng (1594 - 1677) có xây thành phòng thủ ở đây nên gọi là địa điểm di tích thành nhà Mạc.
Nơi Tỉnh ủy Cao Bằng triệu tập Đại hội đại biểu Việt Minh lần thứ nhất ngày 22/11/1942. Hội nghị đã bầu ra BCH tỉnh và các đoàn thể cứu quốc, đồng thời bầu ra ban Việt Minh chính thức của tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm chủ nhiệm, có nhiệm vụ chỉ đạo thống nhất phong trào Việt Minh toàn tỉnh.

4. Di tích ngôi nhà ông Đàm Nhật Chảnh

Là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Tổng bộ Việt Minh năm 1941 - 1944, địa điểm hoạt động bí mật của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Tòng, Hoàng Sâm năm 1940 - 1944.

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1189/QĐ-VX-UB Ngày 26/7/2001 của UBND tỉnh Cao Bằng.

4.1. Địa điểm

Thuộc xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

4.2. Lịch sử di tích

Ngôi nhà ông Đàm Nhật Chảnh ở xóm Ảng Giàng xã Bình Long cũ là nơi hội họp đi lại, nơi ở của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Đàm Tòng (tức Lê Tòng) đồng chí Lã, đồng chí Vũ Anh, Đặng Văn Cáp... và các đồng chí cách mạng làm việc trong nhiều năm.

Gia đình ông Đàm Nhật Chảnh là một gia đình có truyền thống Cách mạng. Ông là trưởng họ của họ Đàm sớm giác ngộ cách mạng, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người bảo vệ, canh gác cho các cuộc họp ở nhà ông, luôn luôn cảnh giác với những người lạ và những tên mật thám làm tay sai cho đế quốc; bà Bế Thị Ịt (vợ ông Đàm Nhật Chảnh) có nhiệm vụ nấu cơm đưa lên gác nuôi cán bộ, có lần nhiều người họp bà phải nấu ăn về đêm để bảo đảm bí mật; hai con gái cùng tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn rất trẻ.

5. Di tích ngôi nhà ông Bế Ích Bồng

Là nơi làm việc của Tỉnh ủy Cao Bằng thời kỳ 1949 - 1951;

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ "Thủ đô kháng chiến" Tuyên Quang đi thăm Liên Xô đã ở và làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Cao Bằng tháng 01/1950.

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 3075/QĐ-VX-UB Ngày 11/12/2003 của UBND tỉnh Cao Bằng.

5.1. Địa điểm

Thuộc xóm Bình Long, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

5.2. Lịch sử di tích

Sáng ngày 10 tháng 01 năm 1950, trong hoàn cảnh mùa đông rét mướt Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật rời khỏi "Thủ đô" kháng chiến Tuyên Quang bắt đầu chuyến đi thăm Liên Xô và Trung Quốc. Tỉnh ủy Cao Bằng đã tổ chức đón tiếp người tại xã Minh Tâm (Nguyên Bình). Sau đó Người đến khu căn cứ địa Lam Sơn (huyện Hoà An).

Từ Lam Sơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhà ông Bế Ích Bồng thuộc xóm Thua Khau, xã Bình Long (cũ)huyện Hòa Antỉnh Cao Bằng nơi Tỉnh ủy đặt trụ sở làm việc Người đã ở đây 2 ngày 2 đêm làm việc với tỉnh Cao Bằng trước khi ra nước ngoài công tác.

6. Di tích Núi Khắc Thiệu

Nơi Bế Khắc Thiệu lập chiến luỹ chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ XV.

Năm 1407 Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đã tổ chức quân dân xây thành đắp lũy trên núi Khau Thước (nay gọi là núi Khắc Thiệu).

Tháng 8 năm 1426 nghĩa quân của Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái chỉ huy đã đánh tan quân Minh xâm lược, diệt 4.000 quân và bắt sống tướng giặc Minh tại trận đánh Nà Khuổi thuộc Núi Khắc Thiệu.

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 của UBND tỉnh Cao Bằng.

6.1. Địa điểm

Thuộc xóm Mã Quan, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

6.2. Lịch sử di tích

Bế Khắc Thiệu là người dân tộc tày ở Cao Bằng thể hiện tài năng xuất chúng, xuất phát từ lòng yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc ngoại xâm. Đặc biệt là Bế Khắc Thiệu đã tìm được người tài giỏi cùng chí hướng là Nông Đắc Thái góp phần mưu lược quan trọng đánh thắng giặc Minh xâm lược. Họ đã biết chọn Núi Khau Thước có đặc điểm, vị trí chiến lược quân sự lợi hại để xây thành đắp lũy làm căn cứ nghĩa quân kháng chiến.

Sau 10 năm (1407 - 1417) tổ chức lực lượng nghĩa quân Bế Khắc Thiệu đã tìm liên lạc ứng nghĩa với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hoá) của Lê Lợi. Từ đó nghĩa quân Bế Khắc Thiệu ở Cao Bằng có thêm hậu thuẫn quan trọng xây dựng lực lượng lớn mạnh bảo vệ vùng biên giới phía bắc của tổ quốc, góp phần quan trọng đánh đuổi nhà Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta.

Sau hai mươi năm (1407 - 1427) tổ chức xây dựng lực lượng kháng chiến, nghĩa quân Bế Khắc Thiệu ở Cao Bằng đã đủ sức lớn mạnh để đánh thắng giặc Minh xâm lược.

Cuộc nổi dậy của nghĩa quân Bế Khắc Thiệu đã đại diện tiêu biểu cho ý thức tự giác của Nhân dân các dân tộc thiểu số của vùng biên giới phía bắc, có sự liên kết phối hợp chỉ đạo của triều đình phong kiến Việt Nam. Do đó nghĩa quân Bế Khắc Thiệu đã đánh thắng quân Minh tại Cao Bằng năm 1426, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi biên giới cuối năm 1427, giành độc lập dân tộc cho nước Đại Việt. Bế Khắc Thiệu là một nhân vật lịch sử đáng kính trọng đối với Nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

7. Di tích Ngườm Mác Men

Là nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1942. Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 của UBND tỉnh Cao Bằng.

7.1. Địa điểm

Di tích thuộc xóm Nà Hoài, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

7.2. Lịch sử di tích

Năm 1942 đồng chí Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí hoạt động cách mạng ở địa phương đã đến đây ở và làm việc. Thuộc xóm Nà Hoài, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Năm 1942, theo Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc các đồng chí Phạm Văn Đồng, Vũ Anh được điều đến Cao Bằng kết hợp cùng với các đồng chí đang hoạt động ở địa phương tham gia công tác đào tạo cán bộ. Tại xã Nam Tuấn năm 1942, hai đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã đến đây trực tiếp để chỉ đạo phong trào. Tại Ngườm Mác Men đồng chí Phạm Văn Đồng đã đến ở và làm việc kết hợp cùng với các đồng chí đang hoạt động ở địa phương đã tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia hoạt động Cách mạng Đồng chí Phạm Văn Đồng đến ở và làm việc tại Ngườm Mác Men thời gian khoảng hơn một tháng, với thời gian rất ít ỏi đồng chí đã tranh thủ từng giờ, từng ngày để giải quyết những công việc cấp bách mà Đảng, Bác đã đề ra. Ngườm Mác Men ở gần dân, gần đường đi lại, đồng thời dân ở đây hay đến tụ tập làm men cho nên không thuận lợi do đó đồng chí lại phải chuyển lên Ngườm Poóng.

8. Di tích Ngườm Poóng

Là nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1942.
Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 của UBND tỉnh Cao Bằng.

8.1. Địa điểm

Thuộc xóm Nà Hoài Hoài, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

8.2. Lịch sử di tích

Là nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1942.
Năm 1942 sau khi ở và làm việc ở Ngườm Mác Men sợ bị lộ nên đồng chí Phạm Văn Đồng đã chuyển lên Ngườm Poóng ở và làm việc tại đây. Cứ mỗi lần lên xuống họp hoặc tổ chức mít tỉnh ở Ngườm Hoài là đồng chí phải men theo vách đá, hoặc đi theo đường thông trong hang đến, sau khi xong việc đồng chí lại quay về Ngườm Poóng ở và làm việc.
Đồng chỉ đến đây hai lần. Lần 1 ở được 9 ngày, lần 2 ở được 6 ngày, ngoài đồng chí ra còn có các đồng chí hoạt động ở địa phương cùng tham gia như: Hồng Cường, Bắc Việt, Lê Khương, Hải Nhung, Bằng Giang... Cũng tại Ngườm này ngoài những công việc chính ra đồng chí vẫn tiếp tục dạy chữ, văn hóa cho bà Hoàng Thị Nở. Đồng chí Phạm Văn Đồng ở và làm việc với thời gian rất ngắn sau đó bị lộ, đồng chí đã được đồng chí Cao Minh đưa đến Nà Gọn thuộc xã Đức Long, nhưng đến đây cũng bị lộ và được bà Lê Thị Nhình báo, lại phải chuyển đi nơi khác.

9. Di tích Hang Ghị Rằng

Là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1942.
Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 17/10/2007 của UBND tỉnh Cao Bằng.

9.1. Địa điểm

Thuộc xóm Chỏ Sliêu (nay là xóm Nguyên Giáp), xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

9.2. Lịch sử di tích

 

Đầu năm 1941 theo Chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhiều cán bộ ưu tú của Đảng như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Lê Thiết Hùng, Cao Hùng Lĩnh lần lượt đến Cao Bằng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược do Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đề ra. Tại xã Nam Tuấn năm 1942 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đến ở và làm việc tại xã Nam Tuấn, huyện Hoà An. Đồng chí đến đây được sự che chở của Nhân dân địa phương, được Chu Văn Tói đưa lên hang Ghị Rằng cùng đi với đồng chí còn có đồng chí Hồng Cường - Giáo Bởi.
Tại hang này đồng chí đã hai lần lên lớp giảng về tình hình chính trị của thế giới và trong nước, lớp học này gồm có 7 đồng chí. Ngoài ăn ở sinh hoạt học tập ở hang Ghị Rằng đồng chí còn đến Ngườm Hoài cùng Phạm Văn Đồng đã tổ chức hai lần huấn luyện về chính trị, về tình hình thế giới và trong nước cho các hội viên, tổ chức các cuộc hội họp, khi tổ chức và học, họp xong thì lại quay về hang Ghị Rằng nghỉ.
Cuộc sống vô cùng khó khăn vất vả, đồng chí đã tận dụng tiết kiệm từng giờ thời gian để cố gắng tạo điều kiện cho Cách mạng ở xã này phát triển mạnh, vì làm việc quá sức cộng thêm cuộc sống quá vất vả cho nên đồng chí đã bị ốm, và sau đó Chu Văn Tói đã đưa đồng chí đến ở nhà ông để chữa bệnh khoảng 10 ngày, nhưng bị bọn phản động dò hơi thấy đã đưa lính vào định bắt đồng chí đã được Chu văn Tói cứu và từ đây đồng chí chuyển đi nơi khác.

10. Di tích Ngườm Hoài

Ngườm Hoài là nơi thành lập Mặt trận Việt Minh xã, nơi hội họp của các đoàn thể Việt Minh năm 1942 và đặt Đài phát tín C15 của Tổng cục Bưu điện (năm 1968 - 1978).

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 23/7/1999 của UBND tỉnh Cao Bằng.

10.1. Địa điểm

         Thuộc xóm Nà Hoài, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

10.2. Lịch sử di tích

Năm 1968 để đảm bảo thông tin thông suốt, Cục diện chính thuộc Tổng cục Bưu điện đã khảo sát, lắp đặt đài dự phòng an toàn cho C1 ở Hà Nội và chọn hang Ngườm Hoài ở xã Nam Tuấn huyện Hoà An - Cao Bằng để xây dựng và lắp đặt máy C15. Đây là một hang rộng nằm trong dãy núi đá vôi đủ điều kiện để xây nhà và lắp đặt máy mà đảm bảo được bí mật. Chính tại hang này năm 1942 đã chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng: Mặt trận Việt Minh xã được thành lập (tháng 7/1942) và là nơi hội họp của các đoàn thể Cách mạng thời kỳ đó.
Đài phát tín C15 được xây dựng ngay trong hang để đảm bảo an toàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong nước và sang các nước Đông Âu, Bắc Âu, Châu Phi, Châu Mỹ la tinh và Cu Ba.

Đài phát tín C15 là một trong 28 C của ngành Bưu điện đã hoạt động tốt phục vụ thông tin cho Đảng và Nhà nước hỗ trợ chính cho đài CT ở Trung ương vào những năm Mỹ ném bom phá hoại.

Đài phát tín C15 được xây dường trong hang từ năm 1968 đến năm 1970 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, bao gồm máy phát máy thu và nguồn điện. Công trình này được sự giúp đỡ và tài trợ của Liên Xô. Trong quá trình xây dựng và hoạt động được các chuyên gia Liên Xô trực tiếp chỉ đạo. Tổng số lúc đó có 50 người bao gồm cả chuyên gia, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, bảo vệ hỗ trợ an ninh.

Trong những năm 1970 - 1975 đài phát tín C15 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong và ngoài nước, đóng góp cho chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta

Năm 1975 đất nước được giải phóng đài phát tín C15 vẫn hoạt động đến năm 1978 mới thôi. Hiện nay tất cả máy móc của đài đã được tháo gỡ đưa về đài phát tín C21 ở Ninh Bình để bảo quản.

11. Khu di tích lịch sử cách mạng Lũng Dẻ

 Nơi Bác Hồ đến ở và làm việc, nơi in Báo Việt Nam độc lập cuối tháng 6 đến đầu tháng 8/1942; nơi thành lập Khu Thiện Thuật ngày 24, 25 tháng 9/1943; nơi thành lập Đại đội của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tháng 12/1944.
Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2224/QĐ-UBND ngày 23/9/2009 của UBND tỉnh Cao Bằng.

11.1. Địa điểm

          Thuộc xóm Bản Chang, xã Trương Lương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

11.2. Lịch sử di tích

 

Lũng Dẻ là một trong những điểm làm việc bí mật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Báo Việt Nam độc lập - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh.
Theo quyết định của Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp tổ chức chỉ đạo Hội nghị liên hoan các dân tộc quần chúng trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở các châu trong tỉnh. Trong hai ngày 24 - 25/9/1943, tại Lũng Dẻ, xã Minh Tâm, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Trương Lương, Hòa An) đã thành lập Khu Việt Minh Thiện Thuật (chủ yếu là dân tộc Mông) tham gia Đại hội đại biểu Việt Minh của các châu.
Sau chiến thắng 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, tối 26/12/1944, Ban Chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân rút nhanh về Lũng Dẻ. Tại đây, hai ngày sau, toàn Đội đã tập trung cùng đồng bào địa phương tổ chức mừng chiến thắng. Sau đó, Ban Chỉ huy Đội tiếp tục củng cố, chấn chỉnh và phát triển lực lượng, huấn luyện thêm cho Đội. Đồng thời, chọn những người trung kiên nhất trong các đội du kích và tự vệ các châu liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng trong phong trào "Xin đi giải phóng". Trong những ngày cuối tháng 12/1944, Đội đã phát triển thành một Đại đội gồm 4 trung đội, đồng chí Hoàng Sâm làm Đại đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên Đại đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đầu tiên tại Lũng Dẻ.
Sau khi thành lập Đại đội, đầu tháng 01/1945, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

12. Địa điểm Trường Quân chính khóa II

Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 11/2/2015 của UBND tỉnh Cao Bằng.

12.1. Địa điểm

Thuộc xóm Hoằng Súm, xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

12.2. Lịch sử di tích

Nơi tổ chức huấn luyện Trường Quân chính khóa II đầu năm 1943 do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo.

Trong  năm 1942 - 1943, tại xã Dân Chủ mở 2 lớp huấn luyện chính trị và quân sự ngắn ngày. Lớp thứ nhất, năm 1942 mở tại khu vực Hoằng Súm do đồng chí Phạm Văn Đồng (đồng chí Tống) phụ trách và giảng dạy. Lớp thứ hai mở năm 1943, tại Nả Slấn, Nà Tềng, xóm U Mả do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo.

Di tích Trường Quân chính khoá II gồm có các điểm: nơi mở lớp học (tại Nả Slấn); nơi canh gác, luyện tập quân sự (Nà Tềnh). Để đảm bảo yếu tố bí mật nên khi khoá học kết thúc đã xoá hết mọi dấu vết, nay chỉ còn lại địa điểm dấu tích. 

Ngoài điểm di tích Trường Quân chính khoá II, tại xã Dân Chủ còn có một số điểm di tích cách mạng khác có giá trị đối với cách mạng Việt Nam. Di tích Trường Quân chính khoá II đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành cho sự ra đời của Quân đội ta, chứng minh cho những thành tích cách mạng của Đảng và Nhân dân xã Dân Chủ, xứng đáng là xã An toàn khu, là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

13. Di tích Đền Pú Luông - Giả Cải

13.1. Địa điểm

Thuộc xóm 1 Bế Triều, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

13.2. Lịch sử di tích

Trong truyềng thuyết Pú Lương Quân lưu truyền ở Cao Bằng có kể đến một đôi vợ chồng khổng lồ Báo Luông - Sao Cải là người cổ đã có công lao to lớn gây dựng nên non nước Cao Bằng.
Truyền thuyết được kể lại như sau: ngày xưa, dọc hai bên bờ sông là những sình lầy âm u, cây cối nguyên sinh, lau lách mọc um tùm với nhiều muông thú hoang dã sinh sống. Lúc đó, xuất hiện 2 người cao to, khỏe mạnh, đi men dọc dòng nước kiếm thức ăn. Người con gái theo con sông bên phải: Tiếng Tày gọi Tả Sloa - nay nói chệch là Tà Sa (tức con sông Slam Luồng đi xuống); người con trai men con sông bên trái xuôi về, tiếng Tày là Tả Slại (nay là sông Háng Bó). Họ gặp nhau chỗ ngã ba sông, bây giờ gọi là Háng Cáp hoặc Nước Hai. Chỉ 2 người nên chưa có tên, thường gọi nhau mày, tao (mầư - câu). Cái tên Luông - Cải do đời sau căn cứ vào hình dáng mà đặt cho họ.

Nơi diễn ra buổi lễ chào mừng thành lập UBND lâm thời tỉnh ngày 15/6/1945.
Được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2486/QĐ-UBND ngày 04/11/2008 của UBND tỉnh Cao Bằng.

 

 

 

Tác giả: admin

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay5,513
  • Tháng hiện tại149,717
  • Tổng lượt truy cập551,262



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây