Miếu Quan Đế, Thị trấn huyện Bảo Lạc

Thứ năm - 14/03/2024 00:00
Tọa lạc giữa trung tâm thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc), miếu Quan Đế được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 15, thờ Quan Vân Trường (còn gọi là Quan Vũ, Quan Công). Đến ngày 25/5 năm Thành Thái thứ 7 (tức năm 1895), miếu được nhân dân huyện Bảo Lạc góp tiền và công sức trùng tu lại.

Cứ đến ngày Rằm hằng tháng, nhân dân lại đến miếu Quan Đế thắp hương cầu cho mùa màng bội thu, bình an, mạnh khỏe.

Ngôi miếu có diện tích khoảng 500 m2, chia thành 2 gian tiền sảnh và hậu cung, giữa sân lát đá nguyên khối sâu 8 m, rộng 10 m, 2 bên sân có 2 gian thờ nhỏ rộng khoảng 30 mthờ Thổ Công, 4 góc sân trồng 2 cây đào tiên và 2 cây liễu.

Gian hậu cung sâu 10 m, rộng 20 m, đặt 3 tượng lớn. Tượng giữa là tượng Quan Công ngồi trên bệ, tượng cao 2,5 m, làm bằng đất nung, sơn son hết sức tinh xảo. Bên phải là tượng Quan Bình, cao 2 m, tay phải bưng hòm ấn, tay trái đặt trên Đốc Kiếm. Bên trái là tượng Châu Sương, mặt đen, râu dài, đầu đội nón vành; tay phải cầm thanh Đại Long Đao của Quan Công, đằng sau tượng Quan Bình dựng 1 cái chuông đồng lớn.

Bàn thờ giữa đặt một bát hương lớn bằng sứ màu xanh ngọc, 2 bên có đôi Hồng Hạc bằng đồng đen và các đồ thờ bằng đồng khác. Gian tiền sảnh sâu 10 m, rộng 15 m, bên phải dựng 1 tượng bà Chúa Mẫu cao 1,5 m, bên trái đặt trên bệ 2 bát hương bằng sứ thờ 2 vị trung thần nhà Hậu Lê là Nông Văn Khoan và Bế Nguyễn Hào.

 

Miếu Quan Đế thờ các vị trung thần, nên theo quan niệm của người dân, tính trung hiếu của các vị trung thần sẽ đem lại điều tốt lành cho mọi người.

Ngôi miếu được xây dựng bằng gạch đất nung và trát bằng 1 loại vữa tam hợp trộn vôi và mật, dày khoảng 0,5 cm. Mái lợp ngói âm dương, các cột đều bằng gỗ lim, nghiến, 2 cột lớn giữa gian tiền sảnh có đường kính 30 cm sơn son đỏ. Những bức hoành phi được chạm trổ tinh sảo, màu sắc pha trộn độc đáo. Trên tường vẽ các loại hình người, muông thú, cỏ cây và sông nước của thời bấy giờ. Những đường nét vẽ tinh tế, màu sắc hài hòa, trải qua nhiều năm tháng nét vẽ vẫn còn sắc nét, không phai mờ.

Hiên ngoài miếu rộng 1,5 m, 2 cánh cửa lớn bằng gỗ lim dày 8 phân, cao gần 3 m. Mái hiên uốn cong hình 2 rồng chầu nguyệt. Ngôi miếu quay mặt hướng Tây Nam, xuôi theo dòng sông Gâm, lưng tựa vào núi Vân Trung, đằng sau là những cây si cổ thụ.

Trước đây, sân miếu là nơi tập trung giao lưu văn hóa tín ngưỡng của người dân Bảo Lạc, nhất là trong 3 ngày Tết Nguyên đán. Miếu không có ngày giỗ, cứ đến ngày rằm hằng tháng, người dân thường đến dâng hương cầu an và mỗi năm vào ngày 13/5 âm lịch, nhân dân cùng nhau đến dâng lễ gồm mâm xôi, con gà, mâm ngũ quả để cầu cho mùa màng bộ thu, mọi người trong gia đình bình an, mạnh khỏe.

Đến nay, trải qua nhiều năm tháng không được tôn tạo, ngôi miếu đã bị hư hỏng nặng, 3 tượng lớn gian Hậu Cung không còn nguyên vẹn. Ngày 2/7/2013, UBND huyện Bảo Lạc đã có Tờ trình số 118/TTr-UBND gửi lên tỉnh đề nghị công nhận di tích miếu Quan Đế là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 Nhân dân thị trấn Bảo Lạc rước ảnh Bác Hồ, dâng lễ tại buổi lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa miếu Quan Đế.

Đến ngày 30/12/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 2409/QĐ-UBND công nhận miếu Quan Đế là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 10/6/2014, thị trấn Bảo Lạc đã tổ chức buổi lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa miếu Quan Đế.

 

Tác giả: Dương Bình Luận

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay8,484
  • Tháng hiện tại139,545
  • Tổng lượt truy cập541,090



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây