Xuân Tân Tỵ đón Bác Hồ về nước

Thứ bảy - 02/02/2019 03:03
ứ mỗi độ xuân về lại gợi nhớ trong chúng ta một mùa xuân lịch sử tràn đầy niềm tin, hy vọng và tự hào trên quê hương Cao Bằng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam: “Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...”. (Tố Hữu).
Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (28/1/1941). Tranh: Trịnh Phòng
Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (28/1/1941). Tranh: Trịnh Phòng

Mùa xuân Tân Tỵ năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Thời khắc thiêng liêng ấy đã trở thành nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
 Lịch sử mãi khắc ghi, cách đây 78 năm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn thời điểm về nước như một sự tất yếu khách quan, xuất phát từ tình thế, yêu cầu nhiệm vụ cấp bách của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Khi ấy, vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh cách mạng trong nước đã phát triển mạnh mẽ. Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ và nhanh chóng lan rộng. Tháng 6/1940, chính phủ Pháp đầu hàng Đức.

Người nhận định: "Việc Pháp mất nước là một cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng". Mặt khác, theo Người, thời điểm này cần thiết xây dựng căn cứ địa cách mạng ngay trong lòng Tổ quốc: "Căn cứ địa, trước hết là nơi bảo tồn được lực lượng non trẻ của cách mạng, nơi tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ - mình còn yếu, địch mạnh nhưng nhất định không thể để địch tiêu diệt". Như vậy, về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tranh thủ thời cơ thuận lợi thúc đẩy phong trào đấu tranh và xây dựng căn cứ địa là mục tiêu hướng tới của Nguyễn Ái Quốc. Đó là quyết định sáng suốt, đúng đắn trong tư duy, tầm nhìn chiến lược tài tình của Người.
Nguyễn Ái Quốc đã chọn Pác Bó, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) làm nơi dừng chân để xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vì lúc ấy, Cao Bằng đã có chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập (ngày 1/4/1930), phong trào cách mạng rầm rộ, sôi nổi, trận địa lòng dân vững chắc. Có thể nói, với vị trí địa lý đắc địa về quân sự, đây là vùng đất thiêng hội tụ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa; thuận lợi cho thế thủ, thế công, phát triển và lan tỏa về trung du, đồng bằng dễ dàng, nhanh chóng.

Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Cuối tháng 12/1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chuyển về làng Tân Khư, cách Tịnh Tây (Trung Quốc) 50 km để tiện đường về nước. Trước khi về nước, Người đã dừng chân tại hai làng Nặm Quang và Ngàm Tảy (Tịnh Tây) mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc cho 41 cán bộ Cao Bằng.
Sáng 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba và một số cán bộ cách mạng lên đường về nước qua cột mốc 108. Cảm xúc trào dâng sau nhiều năm xa Tổ quốc, khi về đến mốc 108, Người dừng lại cúi đọc những dòng chữ khắc sâu trên đá rồi đứng lặng hồi lâu hướng tầm mắt nhìn về phía dải đất Tổ quốc trùng điệp, ngút ngàn. Người đã cầm nắm đất Tổ quốc lên hôn mà đôi mắt rưng rưng. Nhân dân các dân tộc xóm Pác Bó vô cùng xúc động, tự hào, vinh dự, thay mặt tỉnh Cao Bằng và cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về.
Tại Cao Bằng, nổi bật nhất là thời kỳ 1941 - 1945, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, Người có những quyết sách đúng đắn, tạo cơ sở phát triển vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Đó là, ý thức sâu sắc về nhiệm vụ tập hợp quần chúng, quy tụ lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo có tổ chức của Đảng, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo thí điểm Mặt trận Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc thành công. Ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng), Đội Nhi đồng cứu quốc, tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được thành lập với 5 đội viên đầu tiên, Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được cử làm đội trưởng.
 Từ ngày 10 - 19/5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 triệu tập và làm việc tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, coi trọng nhiệm vụ giải phóng dân tộc; duy trì và phát triển đội du kích Bắc Sơn - Võ Nhai (Thái Nguyên), củng cố, mở rộng cơ sở Cao Bằng, xây dựng hai nơi làm trung tâm cho cuộc khởi nghĩa vũ trang Việt Bắc sắp tới, tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt để đón thời cơ khởi nghĩa.

Cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Việt Nam Độc lập. Tờ báo đã trở thành ngọn đuốc soi đường, cổ vũ, dẫn dắt quần chúng nhân dân tiến bước trên con đường cách mạng. Người tập trung chỉ đạo xây dựng căn cứ địa, hình thành các khu an toàn của Việt Minh, mở rộng địa bàn Việt Bắc thông thương về mạn trung du, đồng bằng theo các tuyến: Nam tiến, Tây tiến, Đông tiến. Đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.        
Trên chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng, giai đoạn 1941 - 1945 là quãng thời gian không dài nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết định mang tầm nhìn chiến lược, không chỉ đảm bảo sự thành công trước mắt mà còn có ý nghĩa, giá trị lâu dài. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử”.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Cao Bằng đã cùng cả nước làm nên chiến thắng Biên giới năm 1950, tạo điều kiện tiên quyết giành thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã góp phần đắc lực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, dẫn đến khải hoàn ca Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ quốc bước sang trang sử mới, cả dân tộc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
78 năm qua, kể từ mùa xuân Tân Tỵ 1941 đến mùa xuân Kỷ Hợi 2019, ngày Bác Hồ về nước 28/1/1941 mãi khắc ghi trong lòng nhân dân các dân tộc ta. Truyền thống cách mạng và tinh thần ngày Bác Hồ về nước luôn là điểm tựa vững vàng, tạo nên động lực cho mỗi chúng ta khắc phục khó khăn, hăng hái vươn lên xây dựng non nước Cao Bằng ngày càng giàu đẹp, văn minh.     


L.C.T

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,396
  • Tổng lượt truy cập555,941



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây