Võ Nguyên Giáp - ngọn đuốc sáng tiên phong mở con đường Nam tiến (1941 - 1945)

Thứ tư - 22/03/2023 03:46
Bài 3: Đường cách mạng soi sáng lòng dân.

Tháng 2/1943, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh đã nhận định tình hình thế giới và trong nước, thay khẩu hiệu chống Pháp sang chống Pháp - Nhật, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chờ thời cơ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. “Lần này về cơ quan, tôi nhận một quyết định mới.

Theo chỉ thị của Bác và quyết định của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đặt ra một cách rất khẩn trương. Con đường Nam tiến phải gây dựng từ trong lòng dân và bí mật”. “Từ nhân dân mà ra” - Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Hoàng Thăng Bắc, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Ba Bể (Bắc Kạn) kể về những tháng năm đồng chí Võ Nguyên Giáp mở con đường Nam tiến dưới chân núi Phja Bjoóc.

NHỮNG “ĐÓA HOA” CỨU QUỐC MỞ ĐƯỜNG NAM TIẾN

“Trước sự phát triển phong trào cách mạng (CM) trong cả nước, Bác thấy ngoài lối liên lạc thường dùng bằng giao thông bí mật, phải cấp tốc tổ chức những con đường quần chúng từ Cao Bằng đi về miền xuôi. Có thế, khi địch khủng bố mới giữ được liên lạc, những hoạt động vũ trang của các đội du kích mới có thể tiến hành thuận lợi, và nhất là mới tranh thủ kịp khi thời cơ biến chuyển tốt, cách mạng có thể tiến lên Tổng khởi nghĩa.

Chúng tôi được phân công, anh Hoàng Văn Hoan và một số cán bộ đánh thông từ Đông Khê về Đình Cả (Thái Nguyên); tôi và anh Thiết Hùng phụ trách ban xung phong Nam tiến mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên). Bác nói: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Hùng chú trọng thêm chính trị”. “Từ nhân dân mà ra” - Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau gần 2 năm (1941 - 1942) phong trào Việt Minh phát triển mạnh, nhiều chị em phụ nữ đã hăng hái tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc (PNCQ), trở thành bộ phận quan trọng của phong trào Việt Minh. Quán triệt Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát triển các tuyến đường “Nam tiến”, Ban Chấp hành PNCQ tỉnh cùng cấp ủy lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhiều hội viên thành những cán bộ chính trị, quân sự tham gia phát triển Việt Minh theo các tuyến đường Nam tiến.

Theo sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, các mũi xung phong “Nam tiến” được thành lập. Tổ nữ xung phong “Nam tiến” đi trước làm công tác phụ vận cơ sở. Sau đó các đồng chí cán bộ Đảng cốt cán trực tiếp đến mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền vận động mở rộng phong trào Việt Minh. Vượt qua gian nguy tránh thú dữ, thổ phỉ, truy sát của địch, chị em đến các cơ sở tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng đi theo Việt Minh và xây dựng tổ chức tự vệ. Nhiều chị em được tham gia huấn luyện quân sự các cấp, trở thành các đội viên trong các đội vũ trang tuyên truyền hoạt động trên các tuyến đường Nam tiến.

Tổ nữ xung phong “Nam tiến” sớm thành lập ở Nguyên Bình (lấy tên là Minh Khai), gồm có các chị: Nông Thị Hựu (Tự Quyết), Xuân Dung, Hồng Vân đi hướng Khau Giáng (Đèo Giàng) - Thượng Ân, Cốc Đán (Bắc Kạn), một tháng đã gây dựng cơ sở cứu quốc trong 3 tổng. Sau đó, tổ nữ xung phong “Nam tiến” hình thành 3 tuyến. Tuyến Nam tiến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên có các chị: Đàm Thị Loan, Lê Thị Cầm, Nguyễn Thị Thanh (Hòa An), Nông Thị Lập (Nguyên Bình) hoạt động trên địa bàn người Tày, Dao, Nùng.

Nhiều chị em người Dao trở thành cán bộ tham gia Ban Chấp hành Việt Minh cấp xã, tổng, châu..., góp phần vào thành lập khu Việt Minh Quang Trung của dân tộc Dao. Tổng Hoàng Hoa Thám trở thành trung tâm phát triển Việt Minh của đồng bao Dao được Tổng bộ Việt Minh Cao - Bắc - Lạng khen, tặng danh hiệu “Đội xung phong có thành tích xuất sắc”.

Bên cạnh đó, đường Tây tiến (1943 - 1944) từ châu Hòa An và Hà Quảng - Bảo Lạc (Cao Bằng) - Hà Giang - Tuyên Quang - Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh ủy cử chị Hồng Đào, cán bộ chính trị vừa làm cán bộ quân sự tuyên truyền, gây dựng cơ sở Hội Cứu quốc trong vùng đồng bào Mông vùng cao, đồng bào Tày, Nùng ở vùng thấp. Chị đã phát triển lên vùng đồng bào Mông ở Lũng Phầy, Tỉnh Giảo… (Hòa An) - Lũng Tàn, Lũng Dẻ, Lũng Luông, Phja Khao… (Nguyên Bình) - Lũng Tỳ, Lũng Chủm (chân núi Phja Dạ, huyện Bảo Lạc).

Tháng 5/1943, 2 châu Việt Minh gồm: Chí Kiên (tổng Hoàng Diệu, Trọng Con, Tri Phương, Lê Lợi thuộc Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình) và Xích Long (tổng Hy Sinh, Tranh Đấu, Vần Dính thuộc Bảo Lạc, Chợ Rã - Bắc Kạn) được thành lập. Các chị: Lý Thị Máy, Hoàng Thị Sĩ (xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc), dân tộc Mông hoạt động rất tích cực, kết nạp nhiều chị em người Mông tham gia Hội PNCQ. Địa bàn các chị gây dựng trở thành chỗ dựa vững chắc để tiến hành CM dân tộc.

Tuyến đường Đông tiến (1943 - 1944) từ Hòa An - Thạch An (Cao Bằng) - Lạng Sơn là tuyến chiến lược quan trọng nối liền căn cứ địa Cao Bằng với Bắc Sơn. Nhiều chị em Hội PNCQ Thạch An vừa xây dựng phong trào, vừa chống khủng bố gắt gao của địch.

 

Chiến công của tổ nữ xung phong “Nam tiến” được Tổng bộ Việt Minh biểu dương, tặng danh hiệu “Phụ nữ tiên phong” cho đội “Minh Khai”. Trong đó có chị Đàm Thị Loan sau này vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong ngày Quốc khánh 2/9/1945.            

THEO VIỆT MINH, LÒNG DÂN CAO HƠN NÚI

Con đường Nam tiến từ Cao Bằng muốn mở thông xuống Bắc Kạn - Thái Nguyên phải vượt qua những dãy núi cao chạm mây trời, dãy núi Khau Giáng, Phja Đén (Nguyên Bình), Phja Boóc (Bắc Kạn), Phja Dạ (Bảo Lạc). Dưới chân núi là những bản làng đồng bào Mông, Dao quần cư sinh sống.

Sở dĩ “Nam tiến” phải mở 2 tuyến quan trọng, Nam tiến qua vùng đồng bào Mông, Dao vì đây là tuyến huyết mạch nhất. Từ huyện Nguyên Bình - Ngân Sơn, Chợ Rã thông sang Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên) do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách; “Tây tiến” từ Nguyên Bình - Bảo Lạc - Na Hang (Tuyên Quang) - Bắc Mê (Hà Giang) nối thông sang Vân Nam (Trung Quốc) do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách.

2 hướng này là vùng đồng bào Mông, Dao sinh sống, bị án ngữ bởi các dãy núi trùng điệp cao ngất. Đường này tuy hiểm trở, người Mông, Dao có bản sắc văn hóa riêng, địch đặt nhiều cơ sở mật thám để truy lùng cán bộ CM…, nhưng tổ “Nam tiến” vượt qua mọi gian nguy, hòa nhập với đồng bào phát triển phong trào Việt Minh.

Từ khi quân Pháp, mật thám biết phong trào Việt Minh tập hợp đoàn kết các dân tộc, chúng lợi dụng vấn đề bà con vùng thấp dân tộc Tày, Nùng và vùng cao người Mông, Dao để chia rẽ, gây mất đoàn kết các dân tộc. Khi đồng chí Văn đến bản mở lớp tuyên truyền về mục đích đấu tranh CM, bà con người Dao thấy đồng chí Văn nói được tiếng dân tộc mình, nói những việc đấu tranh vì quyền lợi người Dao và các dân tộc khác nên bà con rất quý mến, cảm phục, tin tưởng, một lòng đi theo Việt Minh, cùng nhau làm lễ kết nghĩa ăn thề.

Các đồng chí Lý Văn Thượng (bí danh Tuyên Truyền), Anh Hùng, Nam Kỳ, Đoàn Kết… dân tộc Dao trở thành cán bộ cốt cán vùng đồng bào Dao; có anh em, họ hàng, bạn đồng canh ở Bản É, Hang Slậu, Khưa Nam, xã Thượng Ân, Cốc Đán, Tô Khê, châu Ngân Sơn.

Khu vực Pác Dài - Bản Um, xã Tam Kinh (Nguyên Bình) là địa bàn hoạt động của cán bộ Nam tiến.

Chỉ một thời gian sau, các bản làng này đã có cơ sở quần chúng theo đoàn thể CM. Dưới chân dãy núi Khau Giáng địa giới huyện Nguyên Bình từ phía Đông sang Tây huyện Ngân Sơn đều có cơ sở Việt Minh. Từ Khau Giáng vượt qua Thượng Ân, Cốc Đán (Ngân Sơn) sang Hà Hiệu, Bành Trạch, Chợ Rã, đến tháng 9/1943, đồng chí Văn đến bản Và, Nà Pán, Nặm Lạ dưới chân núi Phja Boóc hoạt động trong vùng đồng bào Dao Đỏ, Dao Tiền. Con đường Việt Minh được nối liền giữa các châu Chợ Rã, Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Kạn) với Na Hang (Tuyên Quang).

Đối với dân tộc Mông có đồng chí Dương Kim Đao là cán bộ Việt Minh ưu tú của đồng bào Mông tham gia Việt Minh, mở đường Nam tiến năm 1941 - 1944, cùng với các đồng chí Văn, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh… Ông Dương Kim Quý (con ông Dương Kim Đao) xúc động kể: Bố mẹ tôi khi còn sống thường hay kể lại cho con cháu, đồng chí Văn đến nhà rất gần gũi, kính già, mến trẻ, cùng ăn mèn mén. Bài ca Việt Minh được đồng chí Văn dịch ra tiếng Mông “Việt Minh pính đẩư chí chử” và tiếng Dao “Việt Minh pia giảng sâu” đã thu hút đông đảo người Mông, Dao dưới chân núi Phja Oắc, Phja Dạ, Phja Boóc tham gia các tổ chức cứu quốc.

Từ lối tuyên truyền giản dị, gắn bó, gần gũi với bà con như anh em ruột thịt, đồng chí Văn và cán bộ CM đã gieo niềm tin son sắt vào lòng người Mông, Dao đi theo con đường Việt Minh. Do đó tổ đội nữ xung phong “Nam tiến” làm công tác phụ vận, đi tuyên truyền, vận động đồng bào Mông, Dao tham gia các tổ chức cứu quốc, gây dựng cơ sở CM đều được đồng bào rẻo cao hưởng ứng.

Tổ nam xung phong “Nam tiến” gồm các đồng chí Cắm (Tiến Lực), Mạnh (Thanh Vi), Đề Thám, Nguyên, Thài…, đã đi mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ người Mông, Dao (dạy bằng tiếng Mông, Dao) về chương trình, điều lệ Việt Minh, tôn chỉ mục đích các tổ chức Hội cứu quốc. Việt Minh đi đến đâu tổ chức phong trào học chữ, văn hóa, huấn luyện quân sự thu hút hàng nghìn đồng bào Mông, Dao tham gia tổ chức cứu quốc.

Ngày 15/9/1943, Đại hội châu Việt Minh người Mông, Dao Đỏ vùng Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình thành lập châu Chí Kiên; ngày 20/9/1943, Bảo Lạc thành lập châu Xích Long; tháng 11/1943, thành lập Khu Thiện Thuật dân tộc Mông (Nguyên Bình) do đồng chí Dương Kim Đao, người Mông làm Chủ nhiệm; vùng dân tộc Dao Tiền thành lập Khu Việt Minh Quang Trung do đồng chí Lý Văn Thượng làm Chủ nhiệm. Các khu Việt Minh dân tộc Mông, Dao trở thành căn cứ địa lòng dân nối những con đường mòn xuyên qua rừng rậm, núi cao của bản làng người Mông, Dao thông xuống các tỉnh trung du và nối liên lạc với quốc tế.

Sau đó, đồng chí Văn và cán bộ CM đến Thượng Giáo (Ba Bể, Bắc Kạn) vượt những vách đá dựng đứng của dãy núi Phja Boóc đến Bằng Phúc đi qua những triền núi, cánh đồng Phương Viên đến Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. “Cả đoàn nghỉ tại nhà đồng chí Dương ở bản Băng, đợi đồng chí Chu Văn Tấn cho người lên đón và đợi chúng tôi ở Chợ Chu. Vài ngày sau, anh Tấn cử đồng chí giao thông lên, chúng tôi đi hai, ba đêm qua vùng đồng bào Mán Ô-gang sống rất nghèo khổ đến chặng cuối làng Cóc - Đèo So.

Ở đây, địch đóng đồn ngay giáp đường. Anh Chu Văn Tấn và đồng chí Dục Tôn đợi chúng tôi tại một cái lán của đồng bào làm để canh lúa ở ven rừng. Sau đó, các đồng chí đội Nam tiến do đồng chí Quang phụ trách cũng tới. Đến tháng 11/1943, chúng tôi gặp nhau giữa rừng sâu, ai nấy mừng vô kể. Hai con đường cùng được đánh thông, bây giờ đã hợp lại thành một con đường quần chúng CM ôm vòng lấy Cao - Bắc - Lạng mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 vạch ra. Tôi giới thiệu những kinh nghiệm của Cao Bằng, Bắc Kạn.

Anh Tấn kể lại tình hình phong trào đang lên mạnh ở Bắc Sơn, Thái Nguyên và miền xuôi; cơ sở của chúng ta tại Bắc Sơn, Võ Nhai đã được củng cố và đang mở rộng sang Chợ Chu, Đại Từ. Anh Tấn cho tôi biết, đã bắt được liên lạc với Trung ương ở miền xuôi. Đêm khuya, chúng tôi cùng rải lá cọ nằm ngủ với nhau giữa rừng. Để kỷ niệm lần gặp gỡ đáng ghi nhớ ấy, chúng tôi đặt tên xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn) là xã Thắng Lợi”. “Từ nhân dân mà ra” - Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Từ tháng 2 - 11/1943, con đường Nam tiến từ Cao Bằng đi theo 3 hướng xuống miền xuôi do Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách đã hoàn thành. Sau khi tuyến “Nam tiến” thứ nhất từ Nguyên Bình - Ngân Sơn (Bắc Kạn) - xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn (Bắc Kạn) gặp Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn tháng 11/1943. Cùng lúc đó, tuyến thứ hai hướng Đông Nam từ Thạch An (Cao Bằng) đã tiến qua Tràng Định, Bình Gia (Lạng Sơn) nối liền với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai (Thái Nguyên). Hướng “Tây tiến” từ Cao Bằng - Hà Giang - Tuyên Quang nhanh chóng vượt qua Bảo Lạc - Bắc Mê (Hà Giang), Na Hang (Tuyên Quang). Tháng 11/1943, 19 đội thanh niên xung phong “Nam tiến” nối liền được căn cứ địa Cao Bằng với Khu du kích Bắc Sơn - Võ Nhai, mở rộng phong trào Cao - Bắc - Lạng với phong trào toàn quốc.

Bài cuối: Đường Nam tiến - con đường cách mạng đi đến thắng lợi.
Tùng Linh - Trường Hà

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập35
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại153,023
  • Tổng lượt truy cập554,568



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây