Võ Nguyên Giáp - ngọn đuốc sáng tiên phong mở con đường Nam tiến (1941 - 1945)

Thứ tư - 22/03/2023 03:51
Bài cuối: Đường Nam tiến - con đường cách mạng đi đến thắng lợi.

Năm 1943 sau khi đường Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo đã hoàn thành nối liền phong trào Việt Minh từ Cao Bằng sang Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Giang - Tuyên Quang với các tỉnh miền xuôi, mở ra một thế trận mới, bước ngoặt lịch sử quan trọng tiến tới tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Từ cuối năm 1944 - 5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (TTGPQ) tiến quân mở đường vũ trang trên con đường Nam tiến. Sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ cách mạng (CM) từ Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) đã hành trình trên con đường Nam tiến đến Tân Trào (Tuyên Quang) chỉ đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 giành thắng lợi vĩ đại.

Di tích Tổng Luyên, điểm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dừng chân nói chuyện với bà con Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) trên hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào (tháng 5/1945).

GIÒN GIÃ TIẾNG SÚNG THẮNG TRẬN

Tháng 1/1944, 19 đội xung phong Nam tiến hoàn thành nhiệm vụ đã trở về họp tại Khuổi Riển, xã Tam Kim (Nguyên Bình). Đồng chí Văn triệu tập và chủ trì hội nghị tổng kết và giao nhiệm vụ mới cho Chi bộ Nam tiến: Triển khai kế hoạch Nam tiến sang giai đoạn hai. Phát triển phong trào Việt Minh từ các châu của Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn để làm bàn đạp tiến theo 2 hướng Thái Nguyên - Phú Thọ - Sơn Tây - Hòa Bình; Tuyên Quang - Yên Bái - Hòa Bình - Thanh Hóa.

Cuối năm 1943 - 1944, trước sự phát triển mạnh mẽ, gần như công khai của phong trào Việt Minh trên đường Nam tiến khiến thực dân Pháp và tay sai vô cùng lo sợ, chúng ra sức khủng bố, đàn áp với nhiều âm mưu thâm độc. Nhưng phong trào Việt Minh trên đường Nam tiến xuống miền xuôi luôn được củng cố, lực lượng vũ trang cơ sở ngày càng phát triển rộng lớn, khí thế CM càng cao, quần chúng tích cực chuẩn bị điều kiện tổng khởi nghĩa.

Ngày 5/7/1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng triệu tập Hội nghị cán bộ để thảo luận về vấn đề chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam TTGPQ được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Ngày 25 - 26/12/1944, Đội mở trận đánh tiêu diệt 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, cổ vũ tinh thần đấu tranh trong nhân dân.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tình hình quốc tế có nhiều thuận lợi cho phong trào CM phát triển. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã họp và ra Nghị quyết: Nhân lúc này, lập tức đánh đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở vùng nông thôn, tùy điều kiện cụ thể ở từng nơi mà thành lập chính quyền CM cấp xã, cấp châu và cấp tỉnh, kiên quyết bảo vệ chính quyền của ta vừa giành được từ tay thực dân Pháp.

Sau đó, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Vũ Anh tới thăm Đội Việt Nam TTGPQ tại tổng Hoàng Hoa Thám (Nguyên Bình) truyền đạt chỉ thị của cấp trên: “Đội phải tiến xuống phía Nam sớm, mở nhanh những đường liên lạc với vùng xuôi”. Từ trong rừng Phan Thanh (Hoa Thám), đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu một đội quân xuất phát theo kế hoạch “Nam tiến”, giương cao cờ đỏ, kéo xuống tổng Kim Mã giữa ban ngày. Đi tới đâu, Đội tập hợp đồng bào lại, tổ chức mít tinh, giải thích chính sách Việt Minh, kêu gọi đồng bào: Nhật, Pháp đánh nhau, đây là thời cơ tốt để đứng dậy chuẩn bị khởi nghĩa và hạ lệnh cho tất cả các lính dõng phải nộp súng.

Bộ phận chính của Đội Việt Nam TTGPQ do đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm chỉ huy tiến xuống Ngân Sơn. Ngày 20/3/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết tối hậu thư gửi cho tên chỉ huy Đồn Ngân Sơn và hắn đưa toàn bộ binh lính ra đầu hàng. Được sự hỗ trợ của Đội Việt Nam TTGPQ, lực lượng tự vệ ở các địa phương nhất loạt nổi dậy giành chính quyền, xóa bỏ bộ máy thống trị của địch tại Ngân Sơn, thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời châu Ngân Sơn đầu tháng 6/1945, trong niềm hân hoan phấn khởi của đồng bào các dân tộc.

 

Từ ngày 20 - 30/3/1945, các đơn vị Đội Việt Nam TTGPQ do các đồng chí Đàm Quang Trung, Mai Trung Lâm, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm... tiến quân xuống Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Kạn)... tước vũ khí của lính dõng, chiến đấu với quân Nhật. Khắp nơi giòn giã tiếng súng thắng trận làm nức lòng nhân dân theo Việt Minh chờ lệnh tổng khởi nghĩa.

Từ đây, các đơn vị của Đội Việt Nam TTGPQ tiếp tục tiến công sang nhiều hướng “Tây tiến” từ Bảo Lạc (Cao Bằng) - Yên Minh - Quản Bạ - Đồng Văn (Hà Giang); còn Khu bộ Việt Minh Thiện Thuật (Nguyên Bình) vẫn chỉ đạo hướng “Tây tiến” lên Hà Giang, kết nối chặt chẽ với đồng chí Đặng Việt Hưng tiếp tục chi viện lực lượng lên đuổi Pháp, đánh Nhật, thổ phỉ... tuyên truyền kêu gọi nhân dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Sơ đồ hành trình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó đến Tân Trào trên con đường Nam tiến.

Hướng “Đông tiến”, đồng chí Lê Thiết Hùng chỉ huy một lực lượng chiến đấu từ Bảo Lạc xuống Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn), phối hợp với những đơn vị của đồng chí Đàm Minh Viễn, Hoàng Minh Thảo đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa.

Ngày 20/4/1945, đơn vị của đồng chí Lê Thiết Hùng gặp một đơn vị Cứu quốc quân, cả hai cùng phối hợp đánh Đồn Bang Tá - Văn Mịch (Bình Gia); ngày 1/5/1945, tiếp tục tiến đánh giải phóng Bằng Mạc (Lạng Sơn). Đi đến đâu, lực lượng Đội Việt Nam TTGPQ phối hợp lực lượng vũ trang địa phương đuổi Pháp, đánh Nhật, tuyên truyền tình hình CM chuyển biến nhanh chóng trong cả nước, ban hành chính sách Việt Minh được nhân dân hưởng ứng sôi nổi.

BƯỚC CHÂN NGƯỜI ĐI,“ĐẤT NỞ HOA” CHIẾN THẮNG

Từ cuối năm 1944 - 5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy Đội Việt Nam TTGPQ và Mặt trận Việt Minh Cao Bằng tiếp tục chi viện lực lượng cán bộ chính trị, quân sự, đặc biệt là lực lượng vũ trang tiến quân đến các địa bàn Nam tiến, chiến đấu giành thắng lợi, nhân dân tin tưởng, hân hoan theo CM, chờ lệnh Tổng khởi nghĩa. Xây dựng đường Nam tiến không chỉ thực hiện chiến lược quan trọng đưa phong trào Việt Minh từ Cao Bằng phát triển mở rộng ra toàn quốc mà cũng chính là con đường an toàn mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hành trình từ Pác Bó (Cao Bằng) - Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi tháng 8/1945.

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Tình thế hết sức thuận lợi cho CM Việt Nam. Đảng ta tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ vì Mỹ đứng trong phe đồng minh, tranh thủ mọi khả năng để ta đánh bại phát xít Nhật - Pháp. Đầu năm 1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó, Cao Bằng đi Côn Minh (Trung Quốc) làm việc với đại diện đồng minh ở Côn Minh. Đang ở Côn Minh, Người nhận được tin ở Việt Nam quân Nhật đã đảo chính Pháp (9/3/1945). Người quyết định cấp tốc trở về Tổ quốc để chuẩn bị gấp rút cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Đến tháng 4/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Phùng Thế Tài, Đinh Đại Toàn, Văn Lâm (Trường) cùng hai người Mỹ gốc Trung Quốc làm việc cho đồng minh sang giúp ta về kỹ thuật vô tuyến điện đã về đến Pác Bó. Ngày 2/5/1945, Liên Xô chiếm Béc-Lin tiêu diệt phát xít Đức đến tận hang ổ cuối cùng. Tình thế lúc này đòi hỏi Đảng ta phải hành động kiên quyết, linh hoạt, mau lẹ, kịp thời, toàn diện và nhanh chóng chớp lấy thời cơ để tiến tới Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới của lịch sử, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định di chuyển địa điểm từ Pác Bó, căn cứ địa CM Cao Bằng đi Tân Trào, Tuyên Quang để thuận tiện cho lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Rạng sáng ngày 4/5/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đoàn cán bộ từ Pác Bó (Hà Quảng) hành trình trên con đường Nam tiến theo hướng Cao Bằng - Bắc Kạn, đến ngày 21/5/1945 tới Tân Trào (Tuyên Quang).

Hành trình của Người và cả đoàn cán bộ phải luồn rừng, vượt núi hơn 400 km với biết bao hiểm nguy, sự truy sát của mật thám và quân Nhật. Phải vượt qua bao sông suối sâu, đèo cao, rừng rậm với những dãy núi dựng đứng Phja Boóc cao hàng nghìn mét, quanh năm mây mù bao phủ, có nhiều thú dữ. Đoàn đi qua 10 huyện/13 điểm dừng chân qua đêm thuộc tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang.

Đi tới đâu, Người đều tranh thủ thời gian tuyên truyền về chủ trương của Mặt trận Việt Minh, vận động các hội Cứu quốc và Việt Minh địa phương đoàn kết, đấu tranh ngoan cường, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Nhiệm vụ mở đường Nam tiến do Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đảng bộ tỉnh Cao Bằng triển khai từ năm 1941 - 1945 trở thành chiến lược quan trọng phát triển phong trào Việt Minh từ Cao Bằng tỏa ra chiến khu Việt Bắc nối liền với cả nước thực hiện sứ mệnh lịch sử dân tộc.

Cuộc hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên con đường Nam tiến được an toàn có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Đó là bước chuyển địa điểm của cơ quan và lãnh tụ tối cao của CM Việt Nam, tạo nên sự lãnh đạo thống nhất, thuận tiện và kịp thời đối với cả nước trong cao trào kháng Nhật cứu nước, dẫn đến thành công mau lẹ của CM Tháng Tám năm 1945, làm thay đổi vận nước.

Giáo sư Lê Văn Yên cho biết: Con đường Nam tiến do Đại tướng Võ Nguyên Giáp  triển khai theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở ra thế trận Mặt trận Việt Minh từ quy mô một tỉnh mở rộng ra toàn quốc. Mở ra bước tiến mới quan trọng đưa phong trào đấu tranh CM giải phóng dân tộc năm 1941 - 1945 của Đảng ta giành thắng lợi vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sở dĩ “Nam tiến” thành công là do Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó sắt son với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vốn có tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước quật cường. Sức hấp dẫn, thu hút của phong trào Việt Minh là hình thành các xã, tổng, châu Việt Minh “hoàn toàn”, chính là mô hình Nhà nước tương lai, giải quyết nguyện vọng chính đáng về quyền con người, bộ máy hành chính phục vụ nhân dân, như: Người dân được tự do, mưu cầu hạnh phúc, học tập, dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, nông dân có ruộng, khuyến khích sản xuất… Vì thế, phong trào Việt Minh - “Nam tiến” thu hút các dân tộc của nhiều tỉnh đoàn kết đứng lên đấu tranh CM tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Tùng Linh - Trường Hà

Tác giả: lscb

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại152,946
  • Tổng lượt truy cập554,491



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây