Quân, dân Cao Bằng tích cực chuẩn bị kháng chiến

Thứ ba - 15/09/2020 04:30
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền ở Cao Bằng đã thuộc về nhân dân. Chính quyền các cấp từng bước lãnh đạo nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên một lực lượng to lớn thống nhất về nhận thức và hành động, nhất là nhiệm vụ chuẩn bị thực lực trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Vùng núi Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An) - nơi Xưởng quân khí Lê Tổ hoạt động. Ảnh: Thế Vĩnh
Vùng núi Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An) - nơi Xưởng quân khí Lê Tổ hoạt động. Ảnh: Thế Vĩnh

Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vừa tập trung xây dựng, củng cố chính quyền, lo đối phó với quân Tưởng, vừa ra sức ủng hộ, chi viện cho cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam ruột thịt. Sôi sục căm thù thực dân Pháp nổ súng chiếm Nam Bộ và Trung Bộ, tại Cao Bằng đã thành lập "Phòng Nam Bộ" để ghi tên những người tình nguyện ra mặt trận. Trong đợt đầu, hơn 20 Chi đội Nam tiến từ Việt Bắc ra đi gồm những cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã được huấn luyện quân sự, có kinh nghiệm chiến đấu do đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Vũ Đức) chỉ huy; đồng chí Đàm Minh Viễn (tức Đức Thanh) làm Tham mưu trưởng.

Lực lượng Nam tiến đã kịp thời tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho đồng bào miền Nam. Trong những ngày tham gia chiến đấu ác liệt tại các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, lực lượng Nam tiến đã chiến đấu dũng cảm, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, trong đó có những cán bộ chỉ huy như Hoàng Đình Giong, Đàm Minh Viễn, Nguyễn Hữu Thành...

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 12/1946, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Cao Bằng họp Hội nghị mở rộng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt là: Tăng cường bộ máy chính quyền các cấp để chỉ đạo kháng chiến; Củng cố lực lượng vũ trang; Xây dựng kế hoạch phòng thủ.

Triệt để thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến làm cho thực dân Pháp hết chỗ dựa, đặc biệt là phá hoại các tuyến đường: Quốc lộ 4, 3, 3b nhằm ngăn bước tiến của quân Pháp; Xây dựng các căn cứ kháng chiến ở tỉnh cũng như ở cơ sở, bố trí các khu an toàn cho nhân dân tránh địch khủng bố; Ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh nhằm huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến.

Nhằm kịp thời chỉ đạo mọi công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, tháng 1/1947, tỉnh Cao Bằng thành lập Ủy ban Bảo vệ do đồng chí Bùi Bảo Vân làm Chủ tịch. Ngày 7/2/1947, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh ra lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến”. Tháng 3/1947, tỉnh Cao Bằng thành lập Ủy ban Kháng chiến thay thế Ủy ban Bảo vệ, đồng chí Dương Công Hoạt được cử làm Chủ tịch. Ủy ban Kháng chiến được thành lập góp phần tăng cường bộ máy chỉ đạo kháng chiến.

Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban Kháng chiến đã tích cực chỉ đạo các huyện, thị và các xã dọc theo các tuyến đường chính tổ chức lập các khu an toàn cho nhân dân, phòng tránh địch tấn công, khủng bố, tổ chức cất giấu lương thực, thực phẩm không để cho địch phá hoại; phát động phong trào quyên góp thóc gạo cho “Quỹ nghĩa xương”, lập các “Kho thóc nghĩa xương” tại các khu an toàn chuẩn bị lương thực cho bộ đội, dân quân, du kích và nhân dân tản cư tiếp tục sinh hoạt, sản xuất và kháng chiến.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, tỉnh chỉ đạo công tác xây dựng kinh tế hậu phương, chuẩn bị hậu cần tại chỗ để có điều kiện chi viện cho các chiến trường. Chi cục Ngoại thương của tỉnh nhập từ biên giới Việt - Trung về nhiều mặt hàng chiến lược quan trọng như: vải, sợi, thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm và các mặt hàng phục vụ quân sự để cung cấp cho căn cứ địa Việt Bắc… Sự chi viện của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng cho các chiến trường từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 có ý nghĩa rất quan trọng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đầu năm 1947, thực dân Pháp  nhận thấy rõ vị trí chiến lược quan trọng của Cao Bằng đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nên tháng 5/1947 chúng cho máy bay ném bom thị xã Cao Bằng. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chuyển mọi hoạt động của tỉnh từ thời bình sang thời chiến và chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng chiến đấu.

Về công tác quân sự, quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, đường lối vũ trang toàn dân, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến các huyện, xã đã coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân nên chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ được tăng cường về số lượng và chất lượng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chiến đấu. Ngày 15/4/1947, Tỉnh đội bộ dân quân được thành lập, do đồng chí Như Thanh làm Tỉnh đội trưởng; đồng chí Hoàng Nghiệp làm Chính trị viên; các Châu đội bộ, Huyện đội bộ và Thị đội bộ được thành lập; ở cấp xã thành lập Ban chỉ huy xã đội.

Tháng 10/1947, tại Pác Bó, Nà Phja, xã Dân Chủ đã thành lập tiểu đoàn cơ động của tỉnh mang tên Tiểu đoàn 73. Quân số của tiểu đoàn được chọn lựa từ những đơn vị đã có từ trước. Tiểu đoàn 73 vừa là đơn vị chủ lực cơ động, vừa là đơn vị dự bị. Ở một số huyện đã xây dựng được đại đội độc lập, làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh du kích ở các địa phương bị địch tạm chiếm.

Cùng với sự tích cực hoạt động của Tỉnh đội bộ dân quân, các tổ, đội dân quân, du kích ở khắp các địa phương trong tỉnh cũng hoạt động mạnh. Số lượng dân quân, du kích toàn tỉnh đến đầu năm 1947 đã có khoảng 8.000 người, trong đó Trùng Khánh là huyện đi đầu, có 9 xã thành lập được các trung đội, đại đội du kích. Lực lượng vũ trang của tỉnh ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, nhưng vũ khí, trang bị và lương thực còn khó khăn, chủ yếu vẫn dựa vào sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân. Bộ đội đóng quân ở đâu, chính quyền và nhân dân ở đó cung cấp lương thực, thực phẩm.

Xưởng quân khí Lê Tổ được di chuyển ra khỏi thị xã Cao Bằng, lên đóng ở khu vực Lam Sơn, huyện Hòa An để tiếp tục sản xuất, sửa chữa những vũ khí thô sơ trang bị cho các đơn vị chủ lực. Ngoài ra, các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Nguyên Bình… còn tổ chức thêm các tổ lò rèn để sửa chữa súng, tự chế thêm vũ khí thô sơ, thuốc súng để trang bị cho dân quân du kích làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an xóm làng khi có chiến tranh xảy ra.

Ở nhiều địa phương trong tỉnh đã có sáng kiến tổ chức các hội nghị bô lão để bàn về công tác kháng chiến. Đặc biệt, ngày 10/8/1947, các cụ già ở huyện Hạ Lang đã tổ chức hội nghị để bàn công việc kháng chiến. Các hội nghị bô lão tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chủ trương “võ trang toàn dân”, “tự vệ rộng rãi” của Đảng đã thu hút hầu hết đồng bào từ vùng thấp đến vùng cao tham gia kháng chiến, thực hiện đúng khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến”.

Ngày 20/3/1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lên Cao Bằng kiểm tra, hướng dẫn cách tiêu thổ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian từ tháng 4 - 10/1947, quân và dân tỉnh Cao Bằng đã phá nhiều đoạn đường, cầu cống trên Quốc lộ 4.

Công tác thông tin liên lạc được Đảng bộ, chính quyền tỉnh quan tâm, trước hết là đường dây liên lạc giữa tỉnh với Khu ủy Khu I. Một đội giao thông liên lạc đặc biệt được thành lập. Kế hoạch bố phòng được hoàn chỉnh. Trung đoàn chủ lực của tỉnh được bố trí án ngữ tại Quốc lộ 4, Quốc lộ 3 và những điểm cao để chặn đánh địch từ xa. Nhân dân nhiều địa phương còn cắm chông tre, tạo vật cản ở những nơi dự kiến địch có thể nhảy dù, tập trung vào vùng ngoại vi Thị xã và một số thị trấn như Trùng Khánh, Quảng Uyên.

Với tinh thần yêu nước và với truyền thống cách mạng, cả Cao Bằng sục sôi không khí chuẩn bị cho kháng chiến, sẵn sàng và quyết tâm đánh trả quân địch trên nhiều hướng, quyết tâm chiến thắng quân địch khi chúng tấn công lên Cao Bằng, biến Cao Bằng thành “mồ chôn” của thực dân Pháp.
         
Bài 3: Quân và dân Cao Bằng góp phần quan trọng vào chiến thắng Việt Bắc Thu -  Đông năm 1947

Đinh Ngọc Viện

Tác giả: lscb

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,303
  • Tổng lượt truy cập555,848



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây