Võ Nguyên Giáp - ngọn đuốc sáng tiên phong mở con đường Nam tiến (1941 - 1945)

Thứ tư - 22/03/2023 03:32
Ngày 28/1/1941, nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt đồng chí, đồng bào cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Người chỉ đạo thí điểm Việt Minh, chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công; đưa sự nghiệp đấu tranh CM giải phóng dân tộc giành thắng lợi vĩ đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, trực tiếp tổ chức, triển khai nhiều nhiệm vụ chiến lược quan trọng, trong đó có con đường Nam tiến.

Con đường Nam tiến (1941 - 1945) là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm vạch ra để mở rộng phong trào Việt Minh từ căn cứ địa Cao Bằng phát triển xuống Thái Nguyên nối liền với cả nước, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ năm 1941 - 1945, ngay sau khi trở về nước tại Cao Bằng, Người và Trung ương Đảng đã nhanh chóng xây dựng phong trào Việt Minh. Sau đó giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp đào tạo cán bộ cách mạng (CM), mở đường Nam tiến từ Cao Bằng về miền xuôi nối liền với cả nước.

Lão thành cách mạng Hoàng Thị Khìn kể chuyện những ngày gặp các đồng chí cách mạng hoạt động tại
xóm Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).

TẦM NHÌN CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC VỀ XÂY DỰNG MẶT TRẬN VIỆT MINH

Theo hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những tháng cuối năm 1940, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến, tôi hoạt động CM ở Quế Lâm (Trung Quốc), có lần gặp đồng chí Vương (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) bàn với chúng tôi: Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận thật rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp… có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ… (sau này thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng ở Pác Bó, 5/1941).

Cũng thời gian này, từ Trung Quốc chúng tôi còn nhận được tin trong nước, nhân lúc quân Nhật tràn vào Lạng Sơn, bọn Pháp rút chạy. Nhân dân Bắc Sơn (Lạng Sơn) dưới sự lãnh đạo của một số đồng chí đảng viên tại địa phương đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị địch tập trung đàn áp, Trung ương Đảng đã quyết định tăng cường cán bộ, duy trì phong trào tại đây.

(Sau đó, đầu năm 1941, đội du kích Bắc Sơn đã thành lập. Theo quyết định của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó, xây dựng Bắc Sơn - Võ Nhai (Vũ Nhai - Thái Nguyên) và Cao Bằng thành hai trung tâm khởi nghĩa tại Việt Bắc, anh Phùng Chí Kiên cử về cùng các anh Huy, Chu Văn Tấn mở rộng khu căn cứ và chỉ huy đội du kích Bắc Sơn).

… Một hôm, chúng tôi được tin Trương Bội Công về Tĩnh Tây (Trung Quốc) đã đón được một số thanh niên các dân tộc Cao Bằng vì bị thực dân Pháp khủng bố mạnh, phải vượt biên giới chạy ra ngoài. Bác đã nhìn thấy một cơ hội tốt để tổ chức đường liên lạc về nước. Bác nói: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”.

Cũng từ lúc này, Bác đã nhận định về vị trí của Cao Bằng: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ CM đã trở về Pác Bó (Hà Quảng) sau 30 năm bôn ba tìm được cứu nước. Nhớ về những năm tháng dân bản Pác Bó được ông Ké giác ngộ CM tham gia mặt trận Việt Minh, bà Hoàng Thị Khìn, Lão thành CM, ở xóm Pác Bó xúc động kể: Gặp dân bản Pác Bó, ông Ké giảng giải: “Các cháu, các anh, chị có biết vì sao bọn Tây, quan lại phong kiến không cho dân ta đi học? Vì chúng muốn dân ta ngu dốt để dễ cai trị, bóc lột. Chúng bắt bớ, đánh đập dân lành để phân tán sức mạnh dân ta…

Nếu bà con Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh khắp các bản làng hợp sức, đoàn kết lại sẽ đánh đổ chúng”… Tôi và bà con sáng cái đầu xung phong gia nhập Hội Phụ lão, Hội Phụ nữ, Thanh niên, Nhi đồng cứu quốc, được học chữ quốc ngữ, điều lệ Việt Minh. Tôi đưa cơm cho ông Ké, tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc cùng chị em làm công tác hậu cần phục vụ cán bộ CM.

 

Ở Pác Bó, Người bận nhiều việc chỉ đạo phong trào CM cả nước và liên lạc với quốc tế nhưng luôn dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh. Từ tháng 2 - 4/1941, các tổ chức cứu quốc trong 3 châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã kết nạp trên 2.000 hội viên là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao. Sau này, các châu này trở thành các châu hoàn toàn.

Tháng 4/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì hội nghị cán bộ tại Goọc Mu, xã Trường Hà (Hà Quảng) để rút kinh nghiệm công tác thí điểm tuyên truyền, tổ chức Việt Minh. Trên cơ sở đó Người quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tại Khuổi Nặm, Pác Bó (tháng 5/1941).

Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa; quyết định duy trì và phát triển cơ sở du kích Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời củng cố và mở rộng cơ sở Cao Bằng, xây dựng hai nơi đó làm trung tâm của công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang tại Việt Bắc.

Thành công của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ và quần chúng CM Cao Bằng qua thí điểm xây dựng phong trào Việt Minh. Khẳng định chiếc lược xây dựng Cao Bằng thành một trong những căn cứ địa CM cả nước, là nhận định đúng đắn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

MỞ ĐƯỜNG NAM TIẾN

Từ sau Hội nghị Trung ương 8, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển lớn mạnh. Tại Hà Quảng có nhiều người trưởng thành trong phong trào Việt Minh, như: Hoàng Sâm, Dương Đại Lâm, Dương Đại Long, Xuân Trường, Hoàng Thế An, Hoàng La Thanh… Quần chúng CM luôn tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh, tạo khí thế CM sôi nổi.

Theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Phong trào Việt Minh mở rộng tới đâu thì phải tổ chức học tập văn hóa, xóa bỏ nạn mù chữ tới đó, mỗi cán bộ Việt Minh vừa phải là cán bộ chính trị, cán bộ quân sự, vừa phải là giáo viên văn hóa”.

Người đề ra phương châm: Người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Vì vậy, nhiều người tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa. Nhiều đồng chí sau vài tháng học đã biết đọc, biết viết, viết báo…

Tháng 6/1941, Trung ương Đảng đã chỉ thị thành lập Ban Việt Minh lâm thời tỉnh Cao Bằng, chỉ định đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Chủ nhiệm với nhiệm vụ trọng tâm trước mắt quán triệt chủ trương, đường lối của Hội nghị Trung ương 8, mở rộng phong trào Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ra các châu trong tỉnh, xây dựng Cao Bằng thành một trong những căn cứ địa CM của cả nước, mở rộng căn cứ đó để chắp nối được với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai với các tỉnh miền xuôi.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ “cán bộ là gốc của mọi công việc” đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí cán bộ Trung ương trực tiếp đi các địa phương, nhằm đẩy mạnh công tác phát triển hội Việt Minh. Đồng chí Cao Hồng Lĩnh đi Hà Quảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách Hòa An, đồng chí Lê Thiết Hùng vào châu Nguyên Bình. Nhiệm vụ các đồng chí là mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ địa phương tiếp tục phát triển hội Việt Minh.

Các châu: Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các cơ sở xã từ vùng thấp đi lên vùng cao dân tộc Mông, Dao. Đặc biệt, trong thời gian này lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đến Lũng Tàn, Lũng Dẻ (Nguyên Bình) mở lớp huấn luyện chính trị.

Sơ đồ con đường xung phong Nam tiến.

Trên cơ sở phong trào Việt Minh phát triển rầm rộ và vững chắc ở nhiều địa phương, Tỉnh ủy Cao Bằng quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ I, từ ngày 22 - 23/11/1942 tại thành nhà Mạc, vùng núi Lam Sơn, xã Hồng Việt (Hòa An). Đại hội họp kiểm điểm phong trào Việt Minh từ 1941 - 1942 và đề ra nhiệm vụ mới nhằm phát triển phong trào Việt Minh theo các tuyến Nam tiến, gồm: Châu L.S (tức châu Nguyên Bình) vùng tiếp giáp phải tổ chức xuống Bắc Kạn; châu D.R (tức châu Hòa An) phải tổ chức xuống vùng giáp giới Bắc Kạn và Lạng Sơn; châu S.R (tức châu Hà Quảng) phải chú ý phát triển lên Bảo Lạc thông sang Hà Giang, Tuyên Quang.

Đại hội quyết định đẩy mạnh phong trào Việt Minh phát triển trên khắp toàn tỉnh; bầu ra Ban Chấp hành tỉnh của từng đoàn thể cứu quốc và bầu ra Ban Việt Minh chính thức do đồng chí Hoàng Đức Thạc làm Chủ nhiệm. Lúc này phong trào Việt Minh trong tỉnh đã phát triển đồng loạt từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao... Từ Cao Bằng, phong trào Việt Minh bắt đầu lan tỏa ăn sâu, bám rễ sang các vùng phụ cận thuộc các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang.

Tháng 2/1943, tại Lũng Hoài, xã Hồng Việt (Hòa An), diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng và đại biểu Cứu quốc quân bàn việc mở rộng phong trào chuẩn bị chủ động đón thời cơ mới. Theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị bàn việc mở rộng phong trào “Nam tiến” để tạo ra con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang. Trong quá trình “Nam tiến” hình thành đội “Bắc tiến” từ Bắc Sơn - Võ Nhai mở đường lên Cao Bằng.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Chỉ thị triển khai con đường Nam tiến. Nhiều thanh niên ưu tú tình nguyện xung phong mở đường Nam tiến cùng đơn vị Cứu quốc quân đang có mặt tại Cao Bằng xuất phát từ Kim Mã - Tam Lộng (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) và châu Thạch An. “Nam tiến” có 3 hướng: Đường Nam tiến từ Tam Kim, Nguyên Bình - Bắc Kạn; “Đông tiến” từ Hòa An - Thạch An - Lạng Sơn, nối liền căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai (Thái Nguyên) và thông suốt đến Hiệp Hòa (Bắc Giang); “Tây tiến” từ Hòa An - Hà Quảng - Bảo Lạc (Cao Bằng) - Hà Giang - Tuyên Quang. Trong đó mũi Nam tiến quan trọng nhất từ châu Nguyên Bình - Bắc Kạn - Thái Nguyên do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách.

Bài 2: Võ Nguyên Giáp - bước chân huyền thoại mở lối cách mạng trên núi rừng Cao Bằng


Tùng Linh - Trường Hà

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,352
  • Tổng lượt truy cập555,897



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây