Quân và dân Cao Bằng làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Trung Quốc giải phóng Biên khu Việt - Quế

Thứ tư - 30/09/2020 04:41
Theo đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng biên khu Việt - Quế (Trung Quốc) và với tinh thần quốc tế vô sản, coi "giúp bạn như tự giúp mình", ngày 23/4/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh phái một lực lượng vũ trang sang giúp bạn xây dựng Khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới nước ta, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón đại quân Nam Hạ của Giải phóng quân từ Hoa Nam tiến xuống.
Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trung - Việt, trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Kim Xoa
Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trung - Việt, trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Kim Xoa

Ngày 23/4/1949, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh "Phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc mở rộng Khu giải phóng Việt - Quế liên khu" và quyết định giao nhiệm vụ quan trọng này cho Liên khu 1.

Về cấp chiến lược, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến quân. Mũi thứ nhất do Đại tá Lê Quảng Ba làm Tư lệnh từ biên giới tỉnh Quảng Ninh tiến vào dãy núi Thập Vạn Đại Sơn.

Mũi thứ hai do Đại tá Thanh Phong làm Tư lệnh; đồng chí Chu Huy Mân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 Cao Bằng làm Phó Tư lệnh, có nhiệm vụ vượt biên giới Tà Lùng (Phục Hòa, Cao Bằng, Việt Nam) - Thủy Khẩu (Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc), cùng với lực lượng vũ trang Trung Quốc ở khu Tả Giang - Long Châu tiêu diệt các đồn bốt của quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ, tổ chức lực lượng sẵn sàng phối hợp với mũi tiến công của các đơn vị Nam Hạ giải phóng quân từ Hoa Nam đánh xuống.

Mũi thứ ba (là mũi phụ) do Trung đoàn phó Hoàng Long Xuyên chỉ huy từ biên giới tỉnh Lạng Sơn vượt qua vùng Cửa khẩu Nam Quan (Hữu Nghị quan) đánh sang giải phóng Bằng Tường và hội quân với mũi thứ hai ở Ninh Minh.

Để giữ bí mật đơn vị, quân ta lấy tên là Chi đội 28 Quân giải phóng khu Tả ngạn; mỗi chiến sĩ được phát một tấm quân hiệu bằng vải màu vàng, chữ đỏ sơn "Trung Quốc nhân dân Giải phóng quân" cài trên ngực áo. Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Trung Quốc với danh nghĩa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Cùng thời gian này, một đại đội du kích 2 xã Lăng Hiếu, Khâm Thành (Trùng Khánh) phối hợp với đội vũ trang công tác của Trung Quốc tiến đánh quân Tưởng Giới Thạch ở Nhâm Trang, Hương Mã, Hương Lý Lủng nằm sâu trong đất Trung Quốc hơn 20 km. Quân ta thu được 28 súng trường, 8 súng lục, đều để lại trang bị cho nhân dân Trung Quốc.

 

Lúc đó tình hình kinh tế của tỉnh Cao Bằng còn nghèo, giặc Pháp càn quét liên miên, đất canh tác bị bỏ hoang ở quanh đồn địch chiếm mất 20% diện tích, nhưng Cao Bằng vẫn  đảm đương nhiệm vụ nuôi ăn ở và lo những phương tiện sinh hoạt hằng ngày cho hai tiểu đoàn Nam Lộ của Quân giải phóng Trung Quốc đang trú quân trên địa bàn của tỉnh.

Ngoài ra, có thêm một tiểu đoàn Quân giải phóng nữa mới chuyển từ Lạng Sơn đến, chưa kể một đại đội vũ trang công tác của bạn thường xuyên hoạt động dọc biên giới Việt - Trung. Quân và dân Cao Bằng thực hiện đúng Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tuy ta có khó khăn, nhưng phải chăm lo cho bạn như lo cho bộ đội của mình.

Đêm 4 rạng sáng 5/6/1949, bộ đội ta ở hướng Cao Bằng đã hội quân gần biên giới, gồm Tiểu đoàn pháo 2 của bộ tăng cường, Tiểu đoàn 73 của Trung đoàn 74 Cao Bằng, Tiểu đoàn 35 của Trung đoàn quân tiên phong 308. Địa điểm tập trung ở biên giới Tà Lùng, huyện Phục Hòa, đối diện với Đồn Thủy Khẩu - Trung Quốc.

Trong lúc chuẩn bị công đồn Thủy Khẩu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 35 Nông Tôn Vĩnh bí mật hành quân cùng Đại đội 164 từ đêm hôm trước tiến sâu vào lòng địch, chiếm núi Độc Sơn để chặn viện binh quân Tưởng từ Long Châu tới và chặn đường rút lui của quân Tưởng Giới Thạch từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống về Long Châu.

5 giờ chiều ngày 5/6/1949, quân ta vượt biên giới, đến 11 giờ đêm đã chiếm xong trận địa. Sáng hôm sau, quân ta bắt đầu tấn công Đồn Thủy Khẩu bằng những loạt đạn pháo 75 ly. Quân ta chiếm thành, từ thế công đồn chuyển sang truy kích quân dã ngoại. Sau hai ngày đêm bị ta bao vây, toàn bộ quân địch tháo chạy bị quân ta bắt sống. Về phía ta có 11 chiến sĩ bị hy sinh. Giải phóng xong Thủy Khẩu, ngay ngày hôm sau ta giải phóng La Hồi.

Trong trận chiến đấu này ta có 5 chiến sĩ hy sinh. Thi hài các liệt sĩ được Bộ Tư lệnh chiến khu phủ lá cờ đỏ búa liềm và làm lễ mai táng chu đáo. Kho thóc của địch được phát cho dân nghèo, vũ khí thu được ở hai trận này đủ trang bị cho một trung đoàn Giải phóng quân. Giải phóng đến đâu, quân ta đều giao cho đơn vị Giải phóng quân của Trung Quốc chiếm giữ, tiến hành lập bộ máy chính quyền mới và làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm, đi dân công tải đạn cho quân ta.

Đại đội 164 đi trước, luồn sâu vào lòng địch, đánh chiếm được núi Độc Sơn trong vòng 30 phút, sau đó đánh chiếm Hạ Đống. Trong trận đánh này có hai chiến sĩ ta mở đột phá khẩu đã hy sinh anh dũng. Quân ta giành thắng lợi, một dải đất từ Thủy Khẩu đến La Hồi, Hạ Đống đã trở thành chiến khu giải phóng.

Ở Hạ Đống ít hôm, quân ta giúp huấn luyện quân sự cho các đơn vị Giải phóng quân Trung Quốc mới thành lập. Lực lượng trinh sát của ta đi sâu vào lòng địch hàng trăm cây số đến tận Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Quảng Châu, Côn Minh để nắm tình hình địch. Trong khi đó Giải phóng quân ở Hoa Bắc đang vượt sông Trường Giang tiến xuống phía Nam.

Sau chiến thắng Độc Sơn, quân Tưởng Giới Thạch  ở Long Châu hoảng sợ, lo tháo chạy. Có nơi chúng tự phá đồn bỏ chạy từ mấy hôm trước như ấp Trại Thản, Bằng Kiều, Thương Thạch, Hạ Thạch. Bộ đội ta hành quân một đoạn theo hướng Long Châu rồi bí mật chuyển sang hướng Ninh Minh, còn Long Châu để lại cho hai trung đoàn Quân giải phóng Trung Quốc tiến lên giải phóng. Đến đây mục tiêu cuộc chiến đấu của quân ta giúp bạn đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả. Bộ đội ta được lệnh hành quân về nước.


Đinh Ngọc Viện

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,352
  • Tổng lượt truy cập555,897



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây