Võ Nguyên Giáp - ngọn đuốc sáng tiên phong mở con đường Nam tiến (1941 - 1945)

Thứ tư - 22/03/2023 03:41
Bài 2: Võ Nguyên Giáp - bước chân huyền thoại mở lối cách mạng trên núi rừng Cao Bằng.

Gắn bó hoạt động cách mạng (CM) với đồng bào các dân tộc Cao Bằng từ những ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó năm 1941 - 1945, đồng chí Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Người giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, đi mở lớp huấn luyện cán bộ CM gây dựng phong trào Việt Minh; triển khai con đường Nam tiến; thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân…

Dù đối mặt với muôn vàn gian nguy, sống - chết cận kề nhưng không ngăn được bước chân huyền thoại của đồng chí Văn mở đường CM trên những dãy núi trập trùng châu Hòa An - Nguyên Bình (Cao Bằng) - Ngân Sơn - Ba Bể -  Chợ Đồn (Bắc Kạn) - Võ Nhai (Thái Nguyên)…

Đồng chí Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể lại thời gian đồng chí Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến mở lớp huấn luyện.

GIEO “HẠT GIỐNG ĐỎ”  VIỆT MINH

Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941) xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa CM cho cả nước, đưa phong trào Việt Minh phát triển xuống miền xuôi, theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhiều cán bộ ưu tú của Đảng lần lượt đến giúp Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là đào tạo cán bộ CM để phát triển phong trào Việt Minh từ Cao Bằng mở rộng về miền xuôi nối liền với cả nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Gần cuối năm 1941, tôi từ Trung Quốc về nước được một thời gian thì Bác giao nhiệm vụ về châu Hòa An (châu Trần Phú) để mở lớp huấn luyện cán bộ CM. Trước khi lên đường, tôi đã cải trang thành người dân địa phương với bộ quần áo chàm, đeo túi dết bằng vải sau lưng. Trong túi, ngoài những tài liệu của lớp huấn luyện tại biên giới, lúc này đã được in lại thành tập “Con đường giải phóng”, “Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô” do Bác dịch và đánh máy để làm tài liệu huấn luyện.

Càng đi càng thấy phong trào của ta đã ăn khá sâu rộng trong nhân dân. Địch giăng nhiều vọng gác trên dọc đường. Biết có đoàn cán bộ đi qua, đồng bào ở các làng cơ sở ra đón đường chúng tôi, tay bắt mặt mừng, bảo vệ, đưa cơm… Hết đường núi, đến cánh đồng Hòa An phải đi đêm. Đồng chí dẫn đường đưa chúng tôi vào một làng nằm trong một thung lũng nhỏ đến nhà đồng chí Lén.

Cả gia đình đồng chí Lén đều tham gia Hội cứu quốc. Xã này là một xã “Việt Minh hoàn toàn”. Các đồng chí ở địa phương đã chọn một hang đá rộng rãi, quang đãng làm địa điểm lớp học. Chúng tôi lấy lá về rải trong hang làm nơi lên lớp, thảo luận. Nội dung huấn luyện gồm có: Tình hình thế giới, trong nước; tại sao phải đánh Tây, đuổi Nhật; công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cách tổ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, năm bước công tác bí mật...

Mọi người rất ham học, thảo luận sôi nổi, nói lên sự áp bức, bóc lột của Tây, Nhật, của bọn quan lại, tổng lý, những âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ các dân tộc… Lớp học rất an toàn. Các đồng chí ở dưới xã luôn lên báo cáo tình hình hoạt động của bọn phản động. Lễ bế mạc được tổ chức tại một thung lũng. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, ban phụ trách lớp thay mặt đoàn thể giao nhiệm vụ cho hội viên về cơ sở hoạt động. Sau một thời gian ở đây, tôi chuyển sang một tổng khác thuộc vùng cánh đồng của châu Hòa An. Phong trào vùng này rất mạnh nhiều tổng là tổng “hoàn toàn”.

Đầu năm 1942, sau tôi báo cáo tình hình công tác tại Hoà An, Bác nhận xét làm tốt, và chỉ thị cho tôi chuyển sang châu Nguyên Bình. Ngày đầu, vượt qua nhiều đèo cao và những triền núi đá. Chập tối, tới một bản nằm giữa một vùng hẻo lánh chúng tôi vào nhà một hội viên. Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi đến Gia Bằng (xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình) là một cánh đồng hẹp nằm giữa một vùng núi đá. Người dẫn đường tiếp theo là đồng chí An bị mù hai mắt nhưng có trí nhớ rất tốt.

Đêm hôm đó, anh An dẫn tôi đến nhà đồng chí Xích Thắng, Bí thư Châu ủy. Tôi ở lại nhà đồng chí Xích Thắng một thời gian và mở mấy lớp huấn luyện tại Nguyên Bình trong một hang núi (hang Kéo Quảng) - “Từ nhân dân mà ra” - Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhớ về năm tháng đồng chí Văn đến nhà đồng chí Xích Thắng, ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, con trai của đồng chí Xích Thắng xúc động kể: Tôi được nghe bố kể đồng chí Văn đến Gia Bằng mở lớp huấn luyện cán bộ CM một tuần trên hang đá gần nhà tôi. Bố tôi bảo mẹ vận động một số người thân thiết, tin cậy đi tiếp tế đồ ăn lên núi cho đồng chí Văn, cán bộ tham gia lớp học. Để bọn lính Pháp, mật thám không nghi ngờ, mẹ tôi phải vận động người thân, họ hàng giã gạo nấu cơm. Khi đưa cơm, từ nhà tôi leo lên núi chỉ hơn 300 m, nhưng mẹ tôi phải đi vòng qua những nương ngô để mật thám, tay sai không nghi ngờ.

 

Tại Gia Bằng đồng chí Văn tổ chức 3 lớp huấn luyện cho hội viên Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Kim Mã, Tam Lộng và hội viên dân tộc Dao ở Lũng Lừa (khu vực đồng bào Mông, Dao). Các lớp huấn luyện cho hội viên vùng phía Nam châu Nguyên Bình và châu Ngân Sơn được tổ chức tại Roỏng Bó, Khuổi Rù, Thâm Dầu, Vạ Phá… (xã Tam Kim). Đến cuối năm 1942 ở Nguyên Bình có nhiều lũng, tổng, xã Việt Minh hoàn toàn.

Hòa An đã mở được 6 lớp huấn luyện Việt Minh, đào tạo được nhiều cán bộ CM cho châu Hòa An và các địa phương khác. Sau mỗi lớp huấn luyện, đồng chí Văn và đồng chí Trung ương giúp các châu ủy đặt kế hoạch công tác phát triển và củng cố phong trào. Từ tháng 6/1941 - 4/1942, Cao Bằng có hơn 300 cán bộ Việt Minh được đào tạo để tỏa đi các châu gây dựng phát triển phong trào Việt Minh, trong đó có sự đóng góp tích cực của đồng chí Văn.

VƯỢT NGÀN HIỂM NGUY CHUẨN BỊ MỞ ĐƯỜNG NAM TIẾN

Ba xã Kim Mã, Tam Lộng, Hoa Thám, châu Nguyên Bình nằm sát với các xã Thượng Ân, Cốc Đán, Tô Khê, châu Ngân Sơn nằm dưới dãy núi Khau Giáng trùng điệp. Các xã này là nơi quần cư sinh sống của đồng bào Dao Tiền, Dao Đỏ, Nùng, Tày… là địa bàn trọng yếu để mở đầu cho kế hoạch Nam tiến, từng bước tạo thành căn cứ phía Nam của tỉnh Cao Bằng nối liền với phía Bắc tỉnh Bắc Kạn.

Theo dấu tích lịch sử, chúng tôi đến xã Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình), nơi cách đây 79 năm trước tháng 2/1942, đồng chí Văn đã đến nhà ông Nông Văn Lạc, bản Phai Khắt, xã Tam Lộng hoạt động, xây dựng tổ chức cơ sở Việt Minh. Lão thành CM Bàn Thị Chủ, 96 tuổi, dân tộc Dao Tiền, Nà Chắn, xã Hoa Thám xúc động kể: Ngày đó, tôi mới 18 tuổi tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc. Gần cuối mùa xuân năm 1942, cán bộ Hội giao nhiệm vụ chị em nấu cơm cho cán bộ CM thượng cấp đến làm việc.

Vì bí mật, tôi và mấy chị em nấu cơm xong thay nhau đem lên rừng chỗ lớp học nhưng không được biết tên cán bộ mà mình đưa cơm cho tên gì. Chỉ thấy trong đó có một cán bộ chững chạc, mắt sáng, trán rộng nói tiếng Dao với chị em tôi rất tôn trọng, thân tình. Sau này, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại rừng Trần Hưng Đạo, mở trận đánh giòn giã tại Đồn Phai Khắt - Nà Ngần, tôi mới biết đó là đồng chí Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu.

Di tích Đồn Phai Khắt, xã Tam Kim (Nguyên Bình).

Đến khu di tích Đồn Phai Khắt, chúng tôi gặp anh Nông Văn Danh, phụ trách di tích là cháu ông Nông Ngọc Đinh, em trai ông Nông Văn Lạc đều là cán bộ CM xã Tam Kim hoạt động CM với đồng chí Văn, dẫn chúng tôi đi các điểm Nà Dài, Phja Bụt, Khau Giáng, Hoa Thám… Theo dòng lịch sử, khoảng tháng 6/1942, đồng chí Văn đến đây, bọn Pháp mở đầu cuộc khủng bố vào hai xã Gia Bằng và Kỳ Chỉ để truy bắt các đồng chí Dương Mạc Cam, Dương Mạc Lỵ, Dương Mạc Úc là những người trong xã đã thoát ly đi hoạt động CM.

Do các tổ chức hội CM được gây dựng rộng rãi khắp các xã, tổng nên bà con các xóm kịp thời báo tin các đồng chí CM biết, tìm cách trốn thoát. Chỉ hai ngày sau, tên viên tri châu, đội lệ cùng một toán lính xộc thẳng đến xóm Phai Khắt. Chúng bắt dân làng tập trung lại và lên giọng xảo trá: “Quan lớn đến đây không phải bắt những người dân lương thiện mà bắt hai tên cộng sản người Kinh”.

Lúc này, đồng chí Văn và Lê Thiết Hùng, Dinh đang lên lớp giảng bài ở một lớp huấn luyện tại Nà Dủ (Nà Dài), thuộc Pác Dài - Bản Um dưới dãy núi Khau Giáng. Nhận được tin bà con báo, các đồng chí kịp thời tản lên rừng. Hôm đó, trời mưa to, nước từ núi trên thượng nguồn đổ về con suối giữa Pác Dài và Bản Um dâng lên cao, chảy siết làm cho quân Pháp, viên tri châu và quân lính không thể vượt suối sang Nà Dài truy bắt đồng chí Văn và cán bộ CM.

Sau này, địch truy lùng cán bộ CM ngày càng gắt gao với nhiều âm mưu thâm độc, hiểm ác. Để đối phó kịp thời sự truy bắt ác liệt của địch, Ban Châu ủy lâm thời Lam Sơn (Nguyên Bình) quán triệt các chủ trương chống khủng bố, chỉ đạo hoạt động CM bí mật giữ vững tổ chức cơ sở; cử đồng chí Quang Hưng vào Tam Lộng để đón đồng chí Văn và Dinh tạm thời ra Gia Bằng. Lúc này đồng chí Văn đang ốm nằm ở lán Phja Bụt.

Đến nơi, đồng chí Quang Hưng đề đạt ý kiến đón đồng chí Văn, đồng chí Văn giải thích: “Rất cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí. Tuy đang ốm nhưng tôi không thể ra ngoài kia được. Tôi cần ở lại trong này cùng các đồng chí Tán Thuật, Trọng Khánh chống khủng bố”.

Thời gian này đồng chí Văn và cán bộ CM cốt cán địa phương hoạt động bí mật, đi không dấu về không vết, một nắm cơm ăn trong rừng từ tàu lá chuối đến sợi lạt đều phi tang. Từng cán bộ gia đình hội viên gắn bó máu thịt với đoàn thể bí mật tiếp tế cho anh em hoạt động bí mật. Vì vậy tổ chức Đảng bí mật từ Gia Bằng đến Kim Mã, Tam Lộng, Hoa Thám được giữ vững.

Ngày 22 - 23/11/1942, Tỉnh ủy Cao Bằng triệu tập Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ I tại Lam Sơn (Hòa An). Hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể mới phát triển phong trào Việt Minh theo tuyến đường Nam tiến và Đông tiến; bầu ra ban Việt Minh chính thức, trong đó có đại biểu Nguyên Bình tham gia có nhiệm vụ tổ chức phát triển xuống Bắc Kạn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Văn và Lê Thiết Hùng giúp Tỉnh ủy Cao Bằng đến tổng Kim Mã tổ chức Ban xung phong Nam tiến.

Vượt qua mọi gian nguy, bị địch khủng bố gắt gao, cán bộ CM các tổng, xã châu Nguyên Bình được rèn luyện, thử thách, tháng 2/1943, Chi bộ “Nam tiến” được thành lập do đồng chí Mạc Văn Úc (tức Nông Văn Quang) làm Bí thư. Cuộc họp đầu tiên dưới núi Phja Bụt (Tam Kim) (Hồi ký Con đường Nam tiến - Nông Văn Quang).

Đồng chí Văn, Đinh phụ trách toàn diện, trọng tâm là công việc huấn luyện chính trị và quân sự nhằm đào tạo cán bộ dân tộc. Đồng chí Tán Thuật phụ trách hai xã Kim Mã và Tam Lộng. Đồng chí Lý Công, Trọng Khánh chắp nối lại các đầu mối cơ sở đồng bào dân tộc Dao với vùng đồng bào dân tộc Tày để sớm tạo ra đường tổ chức Việt Minh sang Bắc Kạn.

Bài 3: Đường cách mạng soi sáng lòng dân.


Tùng Linh - Trường Hà

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại152,933
  • Tổng lượt truy cập554,478



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây