Nhân dân các dân tộc Cao Bằng với phong trào kháng Pháp

Thứ sáu - 11/09/2020 04:15
Ngày 24/10/1886, Sư đoàn của tướng Messier rời Thất Khê (Lạng Sơn) tiến về phía Cao Bằng. Sau khi chiếm được huyện Thạch An, dưới sự chỉ huy của tướng Messier, ngày 30/10/1886, quân Pháp chiếm thành Cao Bằng, sau đó tiếp tục đánh chiếm các huyện. Đánh chiếm đến đâu chúng đều xây dựng các đồn bốt chốt giữ, nhất là ở các địa bàn xung yếu.
Một góc trung tâm Cao Bằng xưa. Ảnh:T.L
Một góc trung tâm Cao Bằng xưa. Ảnh:T.L

Tuy đánh chiếm được nhiều nơi nhờ ưu thế của vũ khí hiện đại, nhưng đi tới đâu quân Pháp cũng bị nhân dân các dân tộc (dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh dân tộc, hào trưởng địa phương) liên tục đánh trả quyết liệt. Đồn Mỏ Sắt bị quân của Lương Tuấn Tú tấn công chỉ sau vài ngày xây dựng. Địch phải cho quân cứu viện tới mới đẩy lùi được đội quân của Lương Tuấn Tú.

Tại huyện Trùng Khánh, ngay từ tháng 10/1887, nghĩa quân do Bá hộ Lê Bá Tài chỉ huy, được sự ủng hộ của nhân dân địa phương đã liên tục chặn đánh, bao vây quân Pháp tại Trùng Khánh phủ, bắn chết tên quan ba Makhônô, bắn bị thương tên quan hai Guyđơmê và nhiều binh lính. Nghĩa quân còn truy kích địch trên đường đi Pò Tấu và từ Trùng Khánh sang Hạ Lang, giết tên quan tư Đavi.

Tại tổng Thông Nông, huyện Hà Quảng, Pa Deng - nữ thanh niên dân tộc Mông đã tập hợp những người Mông yêu nước chiến đấu chống thực dân Pháp. Tiêu biểu là trận phục kích một đội quân Pháp trong năm 1889 khi chúng đang trên đường hành quân đánh chiếm Thông Nông tại đèo Mã Quỷnh, gây tâm lý hoang mang lo sợ trong binh lính Pháp.

Tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Trà Lĩnh, nghĩa quân của Triệu Phúc Sinh xây dựng căn cứ ở vùng Tổng Cọt (Lục Khu, Hà Quảng), liên tục tổ chức các trận phục kích, tập kích bao vây đồn bốt Pháp. Năm 1888, lực lượng nghĩa quân của Triệu Phúc Sinh và các huyện miền Đông kéo xuống chiếm vùng Án Lại, Canh Biện (Hoà An) và đào hào, đắp lũy, dựng đồn bốt tạo thành một căn cứ vững chắc.

Cũng trong thời gian này, bên cạnh các hoạt động chống trả quân Pháp xâm lược của đồng bào các dân tộc, tại Cao Bằng còn nổi lên hoạt động của Tôn Thất Thuyết - Thủ lĩnh phong trào Cần Vương, vốn là Phụ chính đại thần chống Pháp tiêu biểu nhất của nhà Nguyễn, ông tới vùng Cao Bằng vào tháng 10/1886.

Tại Cao Bằng, Tôn Thất Thuyết chiêu nạp một số nhân vật bất mãn với sự bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn như: Lương Tuấn Tú, Nghiêm Xuân Phương (là quan lại của triều đình đóng tại Cao Bằng). Tôn Thất Thuyết bí mật cho dán Cáo thị trên tường thành Cao Bằng kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước.

Cùng những người thân tín, ông hạ trại bao vây thành Cao Bằng, lúc này đang do viên Bố chính Phạm Hài cai quản.  Nhờ sự ủng hộ bí mật của viên Án sát Cao Bằng, Tôn Thất Thuyết chiếm được thành Cao Bằng, sau đó ông rút về Mỏ Sắt đem theo Bố chính Phạm Hài và tử hình y tại nơi này.

Khi rút về Mỏ Sắt, Tôn Thất Thuyết mang theo cả ấn quan Bố chính của Phạm Hài. Với chiếc ấn này, ông đã làm nhiều giấy thông hành giả mạo dùng cho nghĩa quân đi lại cũng như những giấy tờ ngoại giao giả, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của Pháp khi chúng đang cố gắng đàm phán với nhà Thanh về đường biên giới Bắc Kỳ - Trung Quốc và tìm cách hạn chế sự ẩn náu của quân khởi nghĩa bên lãnh thổ Trung Quốc.

Sau đó, ông tiếp tục lên đường đi Vân Nam và đến Quảng Đông vào tháng 2/1887. Việc cầu viện của Tôn Thất Thuyết bất thành nhưng ông đã dựa vào tình cảm cá nhân của một số quan lại Mãn Thanh chống Pháp và cùng các đồng sự của mình tổ chức liên lạc với các cuộc khởi nghĩa chống Pháp trong nước chuyển trâu bò, lúa gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc để đổi lấy vũ khí. Việc tiếp tế này duy trì đến năm 1894 mới kết thúc.

 

Năm 1889, chính quyền Pháp ở Cao Bằng tập trung lực lượng, dưới quyền chỉ huy của Robert và Uđri (Oudri) phá hủy các đồn luỹ của nghĩa quân tại Canh Biện, Án Lại. Trung tá Xecvie (Servière), được cử làm quan chủ vùng, tiến hành các cuộc truy quét nghĩa quân ở Ba Châu (28/9/1889) và Lục Khu (31/10/1889). Mặc dù bị đàn áp, những hoạt động chống Pháp của nhân dân các dân tộc Cao Bằng liên tục diễn ra, gây cho địch nhiều tổn thất.

Nghĩa quân Triệu Phúc Sinh bị dồn về vùng Lục Khu. Tiêu biểu nhất là trận đánh tại Mỏ Sắt (Dân Chủ, Hòa An) vào tháng 10/1890. Trong trận này, nghĩa quân đã bắn chết tên quan hai Catteno, đánh chìm nhiều thuyền tiếp tế của Pháp trên sông Bằng Giang. Các đội quân khởi nghĩa của các huyện miền Đông như: Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang phối hợp với quân của Triệu Phúc Sinh tại căn cứ Tổng Cọt đã đẩy lùi địch về Thị xã.

Những năm 1891 - 1892, Cao Bằng trở thành vùng rất nguy hiểm đối với Pháp. Mặc dù bị địch tập trung đàn áp dã man, phong trào chống Pháp của nhân dân Cao Bằng liên tục phát triển. Điển hình như trận Trùng Khánh của nghĩa quân Mã Quốc Anh. Khi thực dân Pháp đánh chiếm châu Hạ Lang,  Mã Quốc Anh đã tập hợp nhân dân với vũ khí thô sơ như: súng kíp, súng hỏa mai, cung nỏ, bẫy đá... dựa vào thế hiểm trở của núi rừng lập căn cứ địa Lũng Luông, chủ động tập kích đánh địch, gây cho chúng và bọn tay sai nhiều khó khăn.

Mã Quốc Anh đã phối hợp với Đặng A Hợp giết chết Đại uý Manhơnô (Magnenot) và bắn bị thương Trung úy Guyơmê (Guillemet) ở Cối Khê. Nghĩa quân lập căn cứ ở Đông Khê và Nà Lạn (phía Nam Phục Hòa). Địch phải tăng viện cho phía Đông Phục Hòa và giao cho Đại úy Đavít (Davit) chỉ huy. Ngày 21/8/1892, nghĩa quân đánh thắng quân của Đại úy Rivan (Rival) chỉ huy đồn Đông Khê tại Nà Lạn.

Ngày 23/12/1892, nghĩa quân bao vây đồn Nà Lạn khiến Đại úy chỉ huy đồn phải chạy sang Trung Quốc. Nghĩa quân mở rộng chiến thắng tiến lên bao vây Đông Khê. Trong khi địch bị tấn công mạnh ở Đông Khê, Thất Khê và Lạng Sơn, Mã Quốc Anh và Đặng A Hợp thừa cơ chiếm lại địa bàn đã mất. Trước tình thế đó, quân Pháp nhiều lần tấn công vào căn cứ  Lũng Luông nhưng đều bị thất bại. Cuộc kháng Pháp của nghĩa quân Mã Quốc Anh kéo dài 5 năm.

Ở xã Mỹ Hưng (Phục Hòa), nghĩa quân của Lục A Sung (Lục Vĩnh Đình) - nhân dân thường gọi là “lão Lục, lão Thàm” hoạt động khá mạnh. Ngày 18/8/1892 diễn ra trận đánh thắng lớn của nghĩa quân ở Khuổi Khua.

Bên cạnh hoạt động của nghĩa quân do Mã Quốc Anh, Đặng A  Hợp, Lục A Sung… còn có nghĩa quân của Trung Cát Nhị, Đặng A Bảo, Nguyễn Văn Linh… Nhiều trận đánh xảy ra trong tháng 9/1892 ở vùng Đông Khê, Phục Hòa, Quảng Uyên, Trùng Khánh phủ. Thực dân Pháp đã phải mở các cuộc tấn công lớn vào vùng Ba Châu, nhất là xung quanh Trùng Khánh phủ, Quảng Uyên trong tháng 11.

Gặp phải sự phản công mạnh mẽ của nghĩa quân, chúng phải rút về An Châu. Sang tháng 12, địch lại tấn công lần nữa. Các cuộc đối đầu giữa các nghĩa quân và địch diễn ra gay go, quyết liệt. Đến tháng 5/1893, trước sự vây hãm kéo dài, một số nghĩa quân ra hàng. Tuy vậy, địch vẫn không ổn định được vùng Cao Bằng.

Tình hình tạm lắng chưa được bao lâu, phong trào kháng Pháp ở Cao Bằng bùng phát trở lại. Riêng tháng 10/1893 đã diễn ra 21 trận đánh quan trọng. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào kháng Pháp, chúng  buộc phải rải lực lượng ra nhiều nơi, nhưng nơi nào chúng cũng bị bao vây, tiến đánh. Ở thị xã Cao Bằng, quân Pháp chỉ còn 76 lính, chúng buộc phải huy động cả thương binh tham gia phòng thủ.

Thêm vào đó, lương thực hết, tiền cạn, đường tiếp tế bị nghẽn ở Thất Khê. Để tiếp tục đối phó với phong trào kháng chiến ở Cao Bằng, thực dân Pháp đã điều lên Cao Bằng 4 đoàn quân, dưới sự chỉ huy của tên quan năm Valiê phối hợp với quân đồn trú ở thị xã Cao Bằng, Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Thạch An… nhằm dập tắt phong trào nổi dậy của nhân dân địa phương.

Tháng 3/1895, Tôn Thất Thuyết cho quân từ bên kia biên giới Trung Quốc tấn công Cao Bằng và chiếm vùng Lục Khu, nhưng bị Pháp đẩy lui. Tôn Thất Thuyết mưu toan phản công một lần nữa nhưng không thành. Chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, biên giới Việt - Trung bị kiểm soát chặt chẽ, Pháp yêu cầu nhà Mãn Thanh quản thúc Tôn Thất Thuyết nên các hoạt động của ông chấm dứt.     
Trước sức mạnh súng đạn của quân đội viễn chinh Pháp, các lực lượng kháng chiến ở Cao Bằng tạm thời lùi về cơ sở, chờ thời cơ.

Năm 1905, Phù Nhị - một thủ lĩnh dân tộc Dao cũng tổ chức tấn công một tiểu đoàn quân Pháp do tên Lơmoan chỉ huy khi chúng đang trên đường hành quân từ Thị xã vào Nguyên Bình. Năm 1915, quân Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu cũng tấn công vào đồn Tà Lùng.

Như vậy, ngay từ khi đánh chiếm tỉnh Cao Bằng, thực dân Pháp đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Tại đây, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh địa phương, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp liên tục nổ ra, gây cho giặc nhiều tổn thất. Tuy nhiên đa phần là các cuộc đấu tranh tự phát, chưa có được một phương thức tổ chức hoạt động thực sự cách mạng, con đường đi đúng đắn và nhất là chưa có sự lãnh đạo của Đảng nên phong trào đấu tranh có rộng lớn và mạnh mẽ song hiệu quả không cao, chưa thực hiện được mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp.
       
Bài 2: Quân, dân Cao Bằng tích cực chuẩn bị kháng chiến


Hồng Viễn

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,405
  • Tổng lượt truy cập555,950



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây