Quân và dân Cao Bằng đẩy mạnh kháng chiến, quân Pháp co cụm chờ ngày tận thế

Thứ ba - 29/09/2020 04:37
Sau khi bị thất bại trong cuộc tiến công lên Việt Bắc Thu - Đông 1947, từ năm 1948, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” sang chiến lược “đánh lâu dài”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Tại các vùng địch kiểm soát, chúng ra sức lập hội Tề, củng cố chính quyền tay sai và tăng cường việc lập ngụy quân.
Đường số 4, đoạn Đông Khê - Thất Khê. Ảnh:T.L
Đường số 4, đoạn Đông Khê - Thất Khê. Ảnh:T.L

Từ thị xã Cao Bằng, quân Pháp tiếp tục đánh chiếm các khu vực xung quanh và các thị trấn dọc Quốc lộ 3, Quốc lộ 4, phong tỏa biên giới hòng bao vây cô lập căn cứ địa Việt Bắc. Áp dụng chiến thuật “siết chặt” và “vết dầu loang”,  mở các cuộc hành quân lấn dần vùng tự do, lập thêm đồn bốt. Năm 1948, chúng chiếm 48 vị trí ở Cao Bằng. Với chính sách chia để trị, sau việc lập “xứ tự trị”, thực dân Pháp sử dụng bọn tay sai âm mưu lập ra “Liên bang Tày - Nùng” ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, dùng các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, chia rẽ dân tộc và tôn giáo để lập ra các tổ chức phản động, thổ phỉ để chống phá kháng chiến.

Theo Chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy, Khu 1 mở đợt hoạt động trên Quốc lộ 3 và 3b từ cuối năm 1947 đến tháng 3/1948. Ngày 1/1/1948, quân và dân Cao Bằng đánh trận phục kích ở Lũng Mười diệt 75 tên địch, phá hủy 5 xe, thu 14 súng. Chiến thắng này được đánh giá là một trận phục kích xuất sắc của Khu 1.

Trên đường số 4, ngày 9/1/1948, Trung đoàn 74 phối hợp với dân quân du kích phục kích ở Bó Củng - Lũng Nhài diệt 44 tên địch, thu 30 súng các loại. Trong 10 ngày đầu tháng 3/1948, Trung đoàn 74 đánh một số đồn lẻ và phục kích ở Nặm Nàng, Nà Lẹng, Khau Lụa, Khau Khoang; tập kích địch ở Phục Hòa, Trà Lĩnh, Cốc Bó giành thắng lợi, trong đó trận phục kích đoàn xe địch ngày 5/3 ở Nặm Nàng từ Cao Bằng xuống Đông Khê diệt 100 tên địch. Ngày 4/4/1948, đoàn xe địch gồm 15 chiếc từ Cao Bằng về Đông Khê khi tới Nà Vài bị quân ta phục kích; đến Lũng Nam, Mai Lũng, Lũng Mười lại bị ta chặn đánh, 5 xe bị phá hủy, nhiều tên bị tiêu diệt.

Cuối năm 1948, Tỉnh ủy Cao Bằng và Đảng ủy Trung đoàn 74 cử một số cán bộ của trung đoàn về làm nòng cốt xây dựng địa phương. Ở tỉnh có Tiểu đoàn 23, còn lại 5 đại đội độc lập bổ sung về 5 huyện Hòa An, Quảng Uyên, Thạch An,  Hà Quảng,  Nguyên Bình. Tỉnh thành lập các đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Trịnh Trân (Võ Thiết Sơn) chỉ huy.

Đồng chí Trịnh Trân còn chỉ huy đội biệt động ở thị xã Cao Bằng đánh trên 20 trận, diệt tề trừ gian làm cho địch hoang mang dao động. Lực lượng công an phối hợp với Chi tình báo Cao Bằng thâm nhập thị xã Cao Bằng rải truyền đơn, gọi loa địch vận, khống chế 30 binh lính đóng ở bốt Nhà Tầm (Nước Giáp). Đêm 14/6/1948, binh lính trong bốt nổi dậy bắn chết tên Thiếu tá ác ôn Trần Bình, sau đó 30 lính mang theo vũ khí đi theo cách mạng.

Chi tình báo Cao Bằng (còn gọi là Trung đội 5) trực thuộc Ban II Liên khu Việt Bắc, cùng Đại đội độc lập 99, Trung đoàn 74 bí mật tổ chức các điệp viên hoạt động trong lòng địch ở thị xã Cao Bằng và các đồn địch ở Phục Hòa, Đông Khê, Nước Hai, Nguyên Bình nắm tình hình, góp phần phá tan âm mưu của địch hòng đánh chiếm các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc.

Các điệp viên của Chi tình báo Cao Bằng móc nối với Mã Chím làm hầu sáng trong đồn địch hạ sát tên chỉ huy đồn trưởng Nông Đình Anh, địch cử tên Mã Hùng Sơn lên thay. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 Chu Huy Mân đã cử 7 chiến sĩ quân báo, phục kích bắn chết tên Mã Hùng Sơn. Ta xông vào đồn địch, thu tài liệu và con dấu.

Khi quân Pháp âm mưu đánh chiếm huyện Hà Quảng, nhưng Chi tình báo Cao Bằng đã lấy được kế hoạch của chúng. Vì vậy  ngày 1/11/1948, khi 200 quân Pháp nhảy dù xuống Kẻ Héc, xã Đại Tiến (Hòa An), dự định từ Kẻ Héc tiến lên Lũng Nọi, Khau Mắt sau đó tiến lên Nà Giàng (Hà Quảng), nhưng chúng đã bị quân ta đánh tan tác, vội rút về Nước Hai.  

Ở huyện Bảo Lạc từ 15/8/1948, Pháp sử dụng máy bay thả hàng nghìn cân muối, 1.000 m vải, nhiều thùng xà phòng và rải truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Bọn phản động ở gần thị trấn Bảo Lạc và vùng Tây Nam huyện Bảo Lạc câu kết với Pháp âm mưu thành lập "Lưỡng Châu tự trị".

 

Trước tình hình đó, quân ta với nhiều hình thức tiến hành phân hóa hàng ngũ bọn phản động, hạn chế sự phá hoại của chúng, mặt khác đưa Đại đội 669 của Nguyên Bình, Đại đội 666 của Hà Quảng cùng 2 đại đội vũ trang tuyên truyền Kim Đao và Hà Bắc tiến vào Bảo Lạc. Ta vừa đánh địch vừa tuyên truyền, vừa thị uy vận động địch hạ vũ khí. Kết quả, quân ta đã tiêu diệt 5 tên, bắt sống 22 tên, giáo dục 100 tên, thu hơn 30 loại vũ khí, thu 5 tấn gạo, 1 tấn muối và hàng nghìn mét vải cung cấp cho nhân dân.

Cùng với những hoạt động đó, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh chỉ đạo cuộc tổng phá tề với phương châm tuyên truyền lôi kéo tề là chính; bắt và diệt những tên ngoan cố gian ác. Bọn tề ngụy Cao Bằng có khoảng 150 cơ sở. Đợt I từ ngày 15 - 25/10/1948, ta đồng loạt phá tề trừ gian ở 75 xã thuộc 4 huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An. Đợt II từ ngày 10 - 25/11/1948, tiến hành đồng loạt phá tề ở 45 xã thuộc huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Hòa An. Kết quả,  đã trừng trị 17 tên gian ác, bắt cải tạo 112 tên, 100 tên đầu hàng, làm cho hàng ngũ tề ngụy tan rã, gián điệp chỉ điểm bị phá vỡ, ta củng cố thêm chính quyền các xã.

Với những thắng lợi ngày càng to lớn của cuộc kháng chiến, đặc biệt là thành tích phát triển chiến tranh du kích trong năm 1948 và triển vọng mới của tình hình, từ ngày 14 - 18/1/1949, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 nhận định: So sánh lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi ngày càng có lợi cho ta, Hội nghị quyết định phải "tiếp tục phá tan chiến dịch Thu - Đông của địch..., đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương của địch, đánh vào các vị trí chiến lược, cắt đường giao thông quan trọng".

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Liên khu ủy, ngày 23/5/1949, Đảng bộ Cao Bằng họp Hội nghị mở rộng quyết định đẩy mạnh chiến tranh du kích, các đội vũ trang tuyên truyền được cử vào vùng địch hậu ở ngay trong các sào huyệt của địch. Trung đoàn 74 mở chiến dịch đánh vào Trà Lĩnh, Bản Pát, Mã Phục, địch phải điều 700 quân từ Thị xã vào cứu viện.

Dọc Quốc lộ 4, ta đồng loạt tiến công 53 trận, tiêu biểu là các trận Cạm Ngần, Đông Khê ngày 4/1/1949; Ngườm Kim ngày 6/1/1949, buộc địch phải rút quân từ Tà Lùng (Phục Hòa) về tăng cường cho dọc Quốc lộ 4. Tại đèo Mã Phục, ngày 2/3/1949, ta tiêu diệt gọn một trung đội địch, đột nhập vào phố Nguyên Bình đêm 24/3/1949, diệt 3 tên ác ôn, thu một số vũ khí. Tại Khuổi Đăm, Quốc lộ 4 ngày 8/3/1949, quân ta chặn đánh 15 xe cơ giới có 100 lính yểm hộ, ta phá hủy 2 xe, diệt 70 tên địch.

Trước thất bại nặng nề, Pháp tăng quân số ở thị xã Cao Bằng lên 2.000 quân, gồm 7 đại đội. Chỉ huy có 2 quan Năm, 4 quan Tư, 20 quan Ba, 3 quan Một. Cuối tháng 3/1949, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quân ta mở chiến dịch "Cao - Bắc - Lạng 2" và chiến dịch phối hợp "Đông Bắc" trên phạm vi trải dài khu vực thuộc Liên khu biên giới bao gồm Khu Bắc là: Bắc Kạn, Nguyên Bình, Cao Bằng, Án Lại, Đông Khê, Thất Khê và Khu Nam là: Lạng Sơn, Lộc Bình, Tiên Yên, Móng Cái, An Châu.

Trên Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4, địch bị đánh liên tục. Quân và dân ta tổ chức các trận đánh gây cho chúng nhiều thiệt hại, như trận Nà Danh (Đông Khê), ngày 15/5/1949, ta tiêu diệt 130 tên địch, bắt sống 6 tên, thu 2 trung liên, 7 đại liên, 22 tiểu liên, 2 súng cối 81 ly, 60 súng trường, phá hủy 2 xe vận tải. Đồng thời ta huy động dân công làm 6.975 ngày công tiếp tục phá đường số 4, số 3 làm ách tắc giao thông, buộc địch phải tiếp tế cho quân ở Cao Bằng bằng máy bay. Phong trào tòng quân đã được đông đảo thanh niên tình nguyện. Đến tháng 6/1949 có 10.729 người tòng quân.

Trước yêu cầu của tình hình mới, Bộ Tổng tư lệnh đã chọn trong các Trung đoàn 74 Cao Bằng, Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn 28 Lạng Sơn lấy 3 tiểu đoàn mạnh để thành lập Trung đoàn 174 vào ngày 19/8/1949 tại xã Đức Long (Hòa An). Đồng chí Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy, đồng thời điều một số cán bộ, chiến sĩ đi chi viện cho chiến trường Lào.

Trung đoàn 174 mới ra đời đã đánh thắng trận đầu, hồi 9 giờ sáng ngày 3/9/1949, địch từ Thất Khê nã đại bác 105 ly xuống  đồi Khau Pjao, sau đó cho bộ binh chiếm mỏm đồi này, yểm trợ cho đoàn xe vận tải tiếp tế lên Cao Bằng. Khoảng 11 giờ, có 2 xe chở đầy lính và 1 xe bọc thép, tiếp đó là 100 xe vận tải. Khi đoàn xe lọt vào trận địa ở đèo Bông Lau, Lũng Phầy, 2 tiểu đoàn 251, 259 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt đánh chặn, bọn lính đóng trên đồi Khau Pjao bị đạn cối của ta uy hiếp. Ta tiêu diệt 1 đại đội địch, bắt sống 40 tên, trong đó có 1 tên quan Ba, phá hủy 86 xe, thu trên 200 súng các loại. Để giành chiến thắng, quân ta kiên trì chờ phục 4 ngày, hết cả lương thực, bà con các bản đã nhường cơm tiếp tế cho bộ đội.

Khi quân Pháp đang bị quân ta tiến công tiêu diệt trên đường số 4 thì tờ báo Thế giới (Lemond) đăng bài với  tít lớn "Việt Minh đã giành thế chủ động hoàn toàn trên đường số 4, đã làm đau đầu Cao ủy Bôla". Đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Trung đoàn 174 được các báo chí của Pháp mệnh danh là "Con hổ xám đường số 4". Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt được Pháp gọi là "Đệ tứ quốc lộ đại vương" (Vua đường số 4).

Kết quả, từ tháng 10/1947 đến tháng 4/1948, quân ta đã đánh 289 trận, tiêu diệt 1.257 tên địch, làm bị thương 130 tên, phá hủy 29 xe, thu nhiều vũ khí. Đến năm 1949 ta đánh 489 trận, tăng 200 trận so với năm 1948.

Trước tình thế bị cô lập, chia cắt, quân Pháp rơi vào mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng, giữa cơ động và chiếm đóng. Do quân số ngày càng thiếu hụt buộc địch phải rút hàng loạt đồn bốt. Trước sức mạnh của cuộc kháng chiến ở Cao Bằng, chúng buộc phải bỏ lại 41 đồn bốt, đến ngày 20/11/1949, chúng co cụm lại chỉ còn đóng quân ở thị xã Cao Bằng và dọc đường số 4 đi Đông Khê chờ ngày tận thế.

Bài 5: Quân và dân Cao Bằng làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Trung Quốc giải phóng Biên khu Việt - Quế


Đinh Ngọc Viện

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,366
  • Tổng lượt truy cập555,911



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây