Xuân Tân Tỵ năm 1941 đón Bác Hồ về nước

Thứ hai - 30/12/2019 21:29
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, giai đoạn lịch sử 1941 - 1945 là những năm tháng nổi bật diễn ra nhiều sự kiện chính trị, quân sự quan trọng trên quê hương Cao Bằng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tạo nên bước ngoặt lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Giai đoạn 5 năm ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh có nhiều quyết định mang tầm nhìn chiến lược, không chỉ đảm bảo sự thành công trước mắt mà còn có ý nghĩa, giá trị lâu dài. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về Người: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử”.
Xuân Tân Tỵ năm 1941 đón Bác Hồ về nước

Cứ mỗi độ xuân về, chúng ta lại thổn thức nhớ tới một mùa xuân lịch sử tràn đầy niềm tin, hy vọng và tự hào trên quê hương Cao Bằng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Mùa xuân Tân Tỵ năm 1941, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Thời khắc thiêng liêng ấy đã trở thành nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lịch sử mãi khắc ghi sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn thời điểm về nước như một sự tất yếu khách quan, được nghiên cứu, tính toán kỹ càng, không phải tình cờ ngẫu nhiên, mà là xuất phát từ tình thế, yêu cầu nhiệm vụ cấp bách của cách mạng giải phóng dân tộc. Khi ấy, vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, tạo nên những bước tiến quan trọng cả về lượng và về chất. Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, nhanh chóng lan rộng, tháng 6/1940, chính phủ Pháp đầu hàng Đức. Người nhận định: "Việc Pháp mất nước là một cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng".

Mặt khác, từ thực tiễn trên chặng đường dài cách mạng, tư tưởng về sự cần thiết xây dựng căn cứ địa ngày càng lớn lên trong Người. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: căn cứ địa là một trong những nhân tố đầu tiên, bước khởi sự của cuộc vận động giải phóng dân tộc. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản tháng 7/1940, Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ quan điểm của mình: “Nếu chúng tôi có được những điều kiện (…) thì chúng tôi sẽ thành lập các khu căn cứ chống Pháp, Nhật, đó là mong muốn trước mắt của chúng tôi (…) nếu như làm được việc đó, lợi dụng được những mâu thuẫn giữa chính quyền đế quốc, thành lập và mở rộng được mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức thì tương lai tươi sáng sẽ không còn xa vời với đất nước chúng tôi”.

Theo Người: "Căn cứ địa, trước hết là nơi bảo tồn được lực lượng non trẻ của cách mạng, nơi tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ - mình còn yếu, địch mạnh nhưng nhất định không thể để địch tiêu diệt". Như vậy, về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tranh thủ thời cơ thuận lợi thúc đẩy phong trào đấu tranh và xây dựng căn cứ địa làm chỗ dựa nhảy vọt cho cách mạng Việt Nam là mục tiêu hướng tới của Người. Đó là quyết định sáng suốt, đúng đắn trong tư duy, tầm nhìn chiến lược tài tình của Nguyễn Ái Quốc.

 

Song, về vùng đất nào của Tổ quốc để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên là vấn đề Người và các cán bộ cách mạng trăn trở, phân tích, xác định. Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản diễn ra tại Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc đã gặp Hoàng Văn Nọn, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Cao Bằng suốt thời gian diễn ra Đại hội. Qua trao đổi, cân nhắc kỹ càng, Người quyết định chọn Cao Bằng là nơi đầu tiên về nước sau hơn 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân.

Trước hết, bởi Cao Bằng là tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, lại gần thành phố Long Châu, một trong những trung tâm cách mạng của người Việt. Cao Bằng có hai tuyến quốc lộ thông xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên rồi tỏa xuống trung du và đồng bằng Bắc Bộ đều thuận lợi. Đó là quyết định vô cùng sáng suốt. Hơn nữa, Cao Bằng sớm có Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ngày 1/4/1930, phong trào cách mạng rầm rộ, sôi nổi, trận địa lòng dân vững chắc.

Có thể nói, với vị trí đắc địa về quân sự, đây là vùng đất thiêng hội tụ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa; thuận lợi cho thế thủ, thế công, phát triển lan tỏa về trung du, đồng bằng dễ dàng nhanh chóng.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận định: "Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng mới cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ". Mặt khác, vào cuối năm 1940, Người biết có hơn 40 cán bộ Cao Bằng đang hoạt động tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), nhận thấy đây là vốn quý của lực lượng cách mạng làm chuyển biến phong trào đấu tranh và là nhân tố trọng yếu xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Cuối tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chuyển về làng Tân Khư, cách Tĩnh Tây 50 km để tiện đường về nước. Trước khi vượt biên giới, Người đã dừng chân tại hai làng Nậm Quang, Nậm Tảy (Tĩnh Tây) tranh thủ mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc cho hơn 40 cán bộ Cao Bằng. Lớp học bế mạc ngày 26/1/1941.

Sáng 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí: Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Đặng Văn Cáp và các cán bộ cách mạng rời đất Trung Quốc qua cột mốc 108 về đến Pác Bó (Hà Quảng). Các đồng chí cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về hang Pác Bó dừng chân nghỉ bên con suối nước trong vắt rì rào chảy, Người đặt tên là suối Lê-nin; thấp thoáng phía xa gần bản Pác Bó ven suối có ngọn núi soi bóng bên dòng Lê-nin được Người gọi là núi Các Mác.

Với sự hiện diện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cán bộ cốt cán, miền núi rừng Pác Bó xa xôi, hẻo lánh đã trỗi dậy sức sống mới và trở thành “chiếc nôi” đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Từ đây, những tư tưởng chỉ đạo của Người trở thành hiện thực trong đấu tranh cách mạng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đưa phong trào cách mạng cả nước tiến lên. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam như một dấu son chói lọi, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cách mạng nước ta. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Người, phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển sâu rộng, vững chắc.


Lê Chí Thanh

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay8,024
  • Tháng hiện tại154,375
  • Tổng lượt truy cập555,920



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây