Anh hùng Dương Đức Thùng

Thứ sáu - 26/04/2024 03:40
Đồng chí Dương Đức Thùng sinh năm 1954, dân tộc Nùng, quê xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lam lũ, từ nhỏ Dương Đức Thùng chịu khó đến trường học tập cùng bạn bè. Lớn lên, trong hoàn cảnh đất nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên Cao Bằng tình nguyện lên đường nhập ngũ, sẵn sàng ra tiền tuyến xông pha giết giặc lập công, tháng 5/1974, đồng chí tình nguyện tòng quân khi tròn hai mươi tuổi.

Kết thúc khóa huấn luyện bộ binh, đồng chí được bổ sung vào binh chủng công binh, cùng đơn vị vào Nam chiến đấu giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đi tới hồi kết. Trên khắp các ngả đường mặt trận, nườm nượp bộ binh, xe tăng, pháo binh, các quân đoàn không quản ngày đêm, mưa nắng hành quân thần tốc tới Sài Gòn. Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với cương vị là Tiểu đội trưởng, đồng chí cùng đồng đội dũng cảm quên mình, xả thân trong các trận đánh Bến Cát, Xuân Lộc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt là trận tiến công vào căn cứ thủy quân lục chiến của địch ở Sóng Thần, bằng công sự kiên cố, vũ khí hiện đại, chúng ra sức phản công quyết liệt nhưng với tinh thần quyết chiến, nhanh trí, sáng tạo, đồng chí cùng đơn vị đã làm chủ trận địa, buộc địch phải tan rã, tháo chạy. Những trận đánh đó góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông khải hoàn ca, cả nước thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày toàn thắng, đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy rà phá mìn ở khu vực Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Trong cái nắng chói chang, đồng chí tập trung tháo gỡ từng trái mìn, quả đạn dày đặc dưới lòng đất do địch gài bẫy rất tinh vi, chỉ cần sơ sẩy một chút có thể nguy hiểm đến tính mạng của mình và đồng đội. Sau một thời gian nỗ lực thực hiện, đồng chí và đồng đội công binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

 

Từ giữa năm 1975, quân Khmer Đỏ xâm lấn, tàn phá làng mạc, giết hại dân thường các tỉnh biên giới Tây Nam của ta, bọn Pôn Pốt gây nên thảm họa diệt chủng với nhân dân Campuchia. Ngày 7/1/1979, quân đoàn giao nhiệm vụ cho đồng chí cùng đơn vị sang giúp đỡ cách mạng Campuchia, xây dựng cơ sở kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ quốc tế cao cả nhưng cũng rất mới và gặp không ít khó khăn từ ngôn ngữ giao tiếp đến phong tục, tập quán. Hoạt động tại xã Đayet, huyện Kiênxivat, đồng chí tìm hiểu phong cách sống của đồng bào, gần gũi “3 cùng”, vận động bà con đi theo Đảng nhân dân cách mạng Campuchia. Vạch trần âm mưu thâm độc, tàn ác của bè lũ Pôn Pốt, đưa đất nước này đến nguy cơ diệt chủng; đồng thời kêu gọi bọn phản động ra đầu thú với chính quyền cách mạng.

Có ngày, đồng chí đi bộ hơn 60 km đến từng thôn, bản, gặp từng người dân để tuyên truyền, vận động, quên cả đói khát và nguy hiểm luôn rình rập. Đồng chí thường bị bọn phản động đe dọa, khống chế, ngăn chặn thực thi nhiệm vụ. Không nản lòng, đồng chí kiên trì bám sát bản làng, dựa vào nhân dân, tin tưởng vào chính nghĩa. Đồng chí được đồng bào yêu quý, đùm bọc, che chở như một người con trong xã Đayet. Thêm một lần nữa đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1983, đồng chí được điều động về công tác tại Phòng Địch vận Quân khu 9. Sau hơn 4 năm công tác dân vận, binh vận trên đất nước Campuchia, đồng chí tích lũy được nhiều kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ công tác mới. Dọc biên giới Quân khu 9 giáp nước bạn, đồng chí tích cực tuyên truyền, giác ngộ nhân dân Việt Nam - Campuchia nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ bà con và vận động những gia đình có người thân đang lẩn trốn theo địch trở về làm ăn lương thiện trước sự khoan hồng của chính quyền sở tại hai nước. Qua đó, góp phần đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của địch, một số vụ việc hoạt động chống đối chính quyền cách mạng bị phanh phui, kẻ địch ngoan cố bị trừng trị.

Với những cống hiến và thành tích đạt được trong quá trình công tác, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang nhất, nhì, ba; 2 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và 18 bằng khen trong thời gian công tác tại Campuchia, được Chính phủ Campuchia tặng thưởng 1 huân chương và 3 bằng khen.

Dù công tác ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí luôn tận tụy, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong cuộc sống, chiến đấu, đồng chí đoàn kết thương yêu đồng đội, không quản hy sinh, gian khổ, sống giản dị, chân thành, được đồng đội và nhân dân trân trọng, quý mến. Ngày 25/1/1983, đồng chí Chuẩn úy Dương Đức Thùng, Đại đội trưởng công binh, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 25, Quân đoàn 4 vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1990, đồng chí nghỉ mất sức theo chế độ tại xã Tân Thành, huyện Đồng Phú (Bình Phước), khi ấy đồng chí là Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Về với đời thường, đồng chí phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, sống gương mẫu, chân thành, được nhân dân quý mến.   

 

Tác giả: Lê Chí Thanh

Nguồn tin: baocaobang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay8,484
  • Tháng hiện tại139,459
  • Tổng lượt truy cập541,004



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây