Anh hùng Hoàng Văn Quản

Thứ sáu - 26/04/2024 03:54
Đồng chí Hoàng Văn Quản sinh năm 1928, dân tộc Tày, quê xã Nam Tuấn (Hòa An). Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống vất vả, lam lũ, năm 1942, khi Hoàng Văn Quản 14 tuổi đã theo Việt Minh hoạt động ở địa phương. Năm 1953, đồng chí gia nhập lực lượng Công an Cao Bằng và đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, từ chiến sĩ bảo vệ, trinh sát, đồng chí được đề bạt làm Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí luôn tiên phong hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 1977, do yêu cầu xây dựng phong trào vì an ninh Tổ quốc ở một số huyện điểm trong tỉnh, trong đó có huyện Hòa An, đồng chí được phân công về quê công tác và giữ chức Trưởng Công an huyện. Trên cương vị công tác mới, đồng chí chăm lo củng cố tổ chức cán bộ, quan tâm đến đời sống chiến sĩ, xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ, tạo động lực, sức mạnh cho lực lượng Công an, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương.

 

Xã Nam Tuấn (Hoà An) - quê hương Anh hùng Hoàng Văn Quản.

Tháng 2/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc diễn ra khắp toàn tuyến biên giới, đồng chí chỉ huy lực lượng nắm tình hình an ninh tại địa phương và chủ động đề xuất với lãnh đạo huyện khẩn trương sơ tán người dân, bảo vệ tài liệu, tài sản các cơ quan vào khu vực hậu cứ Lam Sơn. Sáng 18/2/1979, xe tăng địch xuất hiện tại huyện lỵ, với cương vị Phó trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thống nhất huyện, đồng chí bình tĩnh xử lý mọi công việc, bố trí cán bộ, chiến sĩ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và vận động nhân dân vận chuyển 20 tấn lương thực, thực phẩm vào khu hậu cứ an toàn.

Sáng 19/2/1979, phát hiện địch tiến về khu hậu cứ Lam Sơn, đồng chí thông báo cho nhân dân phòng tránh địch và nhanh chóng bố trí trận địa đánh địch tại dốc Vàm Đông, cách hậu cứ khoảng 1 km. Bọn địch dùng chiến thuật “biển người”, chúng kéo đến khoảng một tiểu đoàn đi đứng nghênh ngang, một số chiến sĩ trẻ chưa trải qua chiến đấu có biểu hiện hoang mang, lo lắng. Đồng chí động viên tinh thần chiến đấu cho chiến sĩ, bố trí các tuyến đánh địch phù hợp với lực lượng và hỏa lực của ta. Bọn địch kéo đến thành 3 tốp, mỗi tốp từ 200 - 300 tên, chúng vừa đi vừa bắn vào hai bên đường. Đồng chí để 2 tốp đầu đi qua, tốp thứ ba kéo đến nhưng ngồi nghỉ ngay đầu cầu, nhận thấy thời cơ đã đến, đồng chí nổ phát súng đầu tiên tiêu diệt tại chỗ tên chỉ huy địch. Bất ngờ, bọn địch hoang mang nhốn nháo, nhưng khi phát hiện quân ta chỉ có 2 khẩu súng lên tiếng, chúng định thần rồi ồ ạt xông lên. Lúc này, các loại súng tầm ngắn của ta mới phát huy tác dụng, đồng loạt nhả đạn về phía quân thù. Bọn địch bị thương vong nhiều, chúng gọi hỏa lực tầm xa bắn phá vào trận địa của ta. Suốt quá trình chiến đấu, đồng chí một mình giữ 2 khẩu súng, khi khẩu trung liên gần hết đạn, đồng chí di chuyển vị trí liên tục, lợi dụng địa hình, địa vật để bắn tỉa tiêu hao địch. Cuộc chiến đấu diễn ra hơn 8 giờ, sau nhiều đợt phản kích của địch, trận địa ta vẫn vững vàng, bọn địch phải rút lui; riêng đồng chí tiêu diệt 15 tên.

Sáng 20/2/1979, sau một đêm hành quân cấp tốc, đồng chí và một phân đội của ta vừa đến Lũng Vài, xã Hồng Việt thuộc khu hậu cứ; biết tin địch tấn công, đồng chí phối hợp với một đơn vị vũ trang khác bố trí lực lượng chặn đánh địch. Quân ta diệt 2 tên, bắt sống 1 tên thám báo, đến chiều chúng rút đi theo hướng khác. Tối 20/2/1979, đồng chí tổ chức chiến đấu đánh địch tại hang Ngườm Bốc, thuộc Lũng Vài, xã Hồng Việt. Nơi đây, tập trung khá nhiều cán bộ, nhân viên, dân sơ tán và thương binh. Nửa đêm, địch pháo kích vào cửa hang ác liệt, đồng chí phối hợp với chỉ huy huyện đội tiêu diệt được một số tên địch, buộc chúng phải rút lui. Với tinh thần cảnh giác cao, đồng chí mọi người sơ tán đến nơi khác an toàn, đề phòng địch quay lại tập kích. Quả nhiên, khi vừa di chuyển xong, chúng dùng H12 dội đạn vào khu vực hang, san bằng cả một vùng.

Khi chiến sự đang tiếp diễn, khu sơ tán Đại Tiến bị mất liên lạc, đồng chí báo cáo cấp trên và xung phong dẫn một tiểu đội vượt qua vùng địch kiểm soát, bí mật đến nơi nắm tình hình và truyền đạt chỉ thị của cấp trên. Dọc đường đi, phát hiện một kho thóc của ta bị địch đốt cháy, đồng chí vận động nhân dân cùng anh em tiểu đội dập tắt lửa và phân phát hàng chục tấn lương thực cho bà con. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về Lam Sơn, trên đường đi, phát hiện địch có dấu hiệu rút quân, đồng chí báo cáo cấp ủy và khẩn trương chuẩn bị lực lượng trở về tiếp quản huyện lỵ. Bọn địch để lại hậu quả chiến tranh nặng nề, đồng chí chỉ huy đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ đến từng khu phố, thôn, xã truy bắt tàn binh, thám báo, chỉ điểm còn lẩn trốn; hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng dịch bệnh; lãnh đạo đơn vị khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng nhà, đưa cán bộ, chiến sĩ trở lại hoạt động ổn định, kịp thời đón nhận nhiệm vụ mới.  

Ngày 20/12/1979, Thiếu tá, Trưởng Công an huyện Hòa An Hoàng Văn Quản vinh dự được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ.

Trở về với đời thường, đồng chí được tín nhiệm bầu vào cấp ủy thị trấn Nước Hai, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, đồng chí được nhân dân tin tưởng, quý mến.

 

Tác giả: Lê Chí Thanh

Nguồn tin: baocaobang.vn:

  Ý kiến bạn đọc

Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay8,484
  • Tháng hiện tại139,476
  • Tổng lượt truy cập541,021



CHUYÊN TRANG  TUYÊN TRUYỀN TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA - LỊCH SỬ CAO BẰNG
Liên hệ: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng

Địa chỉ: Khu đô thị mới Km5, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Email: bantuyengiao.tu@caobang.gov.vn















 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây